Cả nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi đều có thể bị tiểu buốt tiểu ra máu. Nó phổ biến và thường liên quan đến nhiễm trùng. Vậy bệnh nào gây tiểu buốt ra máu? Nên làm gì nếu gặp phải hiện tượng này? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tiểu buốt ra máu là gì?
Đi tiểu là quá trình đưa chất thải lỏng (gọi là nước tiểu) ra khỏi cơ thể. Trong điều kiện bình thường, một bàng quang khỏe mạnh có thể chứa từ 1-2 cốc (300-400ml) nước tiểu vào ban ngày và khoảng 4 cốc (800ml) vào ban đêm. Và việc đi tiểu 5 hoặc 6 lần một ngày là bình thường nếu bạn uống từ 6-8 cốc nước. Nếu cơ thể của bạn ổn, việc đi tiểu sẽ diễn ra dễ dàng và hoàn toàn không đau đớn, nước tiểu của bạn sẽ có màu từ rơm nhạt tới vàng trong suốt hoặc vàng đậm (nếu cơ thể bị mất nước nhẹ).
Đi tiểu buốt hay đái buốt là một thuật ngữ rộng, dùng để mô tả cảm giác đau, khó chịu, nóng rát khi nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể. Cơn đau này có thể bắt nguồn từ bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam giới), niệu đạo hoặc đáy chậu.
Đi tiểu ra máu hay đái máu là tình trạng có máu xuất hiện trong nước tiểu. Máu này có thể thay đổi từ rất rõ ràng, có thể nhìn thấy bằng mắt thường đến rất nhỏ và chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi.
Vậy, tiểu buốt tiểu ra máu hay đái buốt có máu là tình trạng bạn cảm thấy đau, khó chịu khi đi tiểu và có máu xuất hiện trong nước tiểu, bạn có thể nhìn thấy rõ ràng nước tiểu có màu đỏ đậm như màu cola hay đỏ nhạt, hồng hoặc nước tiểu không có sự thay đổi về màu sắc.

Đái buốt ra máu cảnh báo bệnh gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đái buốt có máu. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng phổ biến xảy ra khi vi khuẩn (thường từ da hoặc trực tràng) xâm nhập vào niệu đạo và gây viêm nhiễm đường tiết niệu. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận của đường tiết niệu, nhưng loại phổ biến nhất là nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang).
Nhiễm trùng thận hay viêm bể thận cũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Chúng ít phổ biến hơn, nhưng nghiêm trọng hơn nhiễm trùng bàng quang.
Theo Mayo Clinic, phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới. Điều này là do niệu đạo ở phụ nữ ngắn hơn ở nam giới, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn.
Sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng trong hóa trị ung thư có thể gây kích ứng và làm viêm các mô bàng quang, dẫn đến tiểu buốt ra máu cùng nhiều triệu chứng kèm theo khác, tùy thuộc vào từng loại thuốc mà bạn sử dụng.
Nếu bạn bắt đầu sử dụng các loại thuốc này và bị đái buốt ra máu, bạn nên gọi cho bác sĩ và hỏi xem triệu chứng đó có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không, nên làm gì, chứ không được tự ý ngưng thuốc mà không hỏi bác sĩ trước.

Nhiễm trùng hoặc kích ứng âm đạo
Còn được gọi là viêm âm đạo. Bệnh xảy ra do sự mất cân bằng vi khuẩn âm đạo hoặc do nhiễm trùng. Các loại viêm âm đạo phổ biến là:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Nhiễm trùng nấm men, thường do một loại nấm tự nhiên có tên là Candida albicans gây ra
- Viêm âm đạo do trichomonas, đây là một loại ký sinh trùng thường lây truyền qua đường tình dục
Khi bị viêm âm đạo, bạn có thể gặp các triệu chứng sau cùng với tiểu buốt và có máu trong nước tiểu máu:
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi hoặc bất thường
- Kích ứng âm đạo
- Đau khi giao hợp
- Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc có đốm máu
- .v.v.
Sỏi thận
Thận có vai trò loại bỏ chất thải và chất lỏng từ máu bằng cách tạo ra nước tiểu. Nhưng đôi khi, bạn có quá nhiều chất thải (gồm các khoáng chất, muối hòa tan) và không đủ chất lỏng, những chất thải này có thể tích tụ với nhau và hình thành các tinh thể. Ban đầu, các tinh thể này chỉ nhỏ và không gây ra vấn đề gì, chúng thậm chí còn bị đào thải ra ngoài cơ thể qua đường tiểu.
Theo thời gian, các tinh thể dần liên kết với nhau và phát triển thành kích thước lớn hơn, tạo thành sỏi. Một số viên sỏi nằm trong thận và sẽ không bao giờ gây ra bất kỳ vấn đề gì. Nhưng nếu chúng rời khỏi thận, đi tới niệu quản và bị mắc kẹt ở đó, bạn sẽ bị tiểu buốt ra máu và gặp nhiều đau đớn.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là các bệnh nhiễm trùng được truyền từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục. Nguyên nhân của STDs là do vi khuẩn, ký sinh trùng và vi-rút. Có hơn 20 loại STDs khác nhau và chúng có thể gây ra triệu chứng tiểu buốt ra máu, như: bệnh lậu, chlamydia, mụn rộp sinh dục, HPV, bệnh giang mai,…
Hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến cả nam và nữ, nhưng trong nhiều trường hợp, các vấn đề sức khỏe mà chúng gây ra có thể trầm trọng hơn ở phụ nữ. Đặc biệt nếu phụ nữ mang thai bị STDs, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho em bé.
U nang buồng trứng
Giống như sỏi thận, u nang buồng trứng là một ví dụ về việc “vật bên ngoài bàng quang” có thể chèn ép lên nó, gây tổn thương và làm bạn đái buốt có máu.
U nang buồng trứng là những túi chứa đầy chất lỏng phát triển trong buồng trứng hoặc trên bề mặt của buồng trứng. Các u nang này có thể phát triển trên một hoặc cả hai bên buồng trứng.
Hầu hết các u nang đều nhỏ và không gây triệu chứng gì. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, nó có thể gây đau âm ỉ vùng chậu hoặc đau nhói ở vùng bụng dưới bên có u nang, chảy máu âm đạo bất thường. Nếu u nang to chèn ép vào bàng quang, nó có thể gây tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần,… Nếu u nang bị vỡ, nó có thể gây ra cơn đau dữ dội và đột ngột.

Viêm tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ thuộc hệ thống sinh sản nam, nằm giữa dương vật và bàng quang. Tuyến tiền liệt có thể bị viêm, sưng gây ra tình trạng đau đớn, tiểu thường xuyên, tiểu buốt và ra máu,…
Viêm tuyến tiền liệt có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra ở tuổi từ 30 đến 50.
Có 2 loại viêm tuyến tiền liệt chính:
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Là loại phổ biến nhất, các triệu chứng gây ra thường dai dẳng và tái phát đi tái phát lại.
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Các triệu chứng xảy ra một cách đột ngột và nghiêm trọng. Loại này hiếm gặp hơn mãn tính nhưng có thể đe dọa tính mạng và cần điều trị ngay lập tức.
Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ thường được gọi là hội chứng bàng quang đau đớn, là một tình trạng phức tạp chưa được hiểu rõ. Nó gây kích thích và viêm bàng quang mãn tính kéo dài từ 6 tuần trở lên mà không có nhiễm trùng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ xảy ra khác nhau ở mỗi người và các triệu chứng của bạn cũng có thể thay đổi theo thời gian, bùng phát định kỳ để phản ứng với các tác nhân phổ biến, chẳng hạn như kinh nguyệt, ngồi lâu, căng thẳng, tập thể dục hay quan hệ tình dục.
Các triệu chứng phổ biến của viêm bàng quang kẽ là dau ở xương chậu hoặc giữa âm đạo và hậu môn ở phụ nữ; đau ở giữa bìu và hậu môn ở nam giới; đi tiểu thường xuyên nhưng sản xuất ít nước tiểu; đi tiểu buốt, tiểu đau, khó. Viêm bàng quang kẽ cũng có thể gây ra sẹo, xơ cứng và chảy máu trong bàng quang, dẫn đến tiểu ra máu.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào phát triển một cách không kiểm soát trong bàng quang. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 45.000 nam giới và 17.000 phụ nữ mỗi năm được chẩn đoán mắc bệnh này.
Các cảm giác về tiết niệu thường không phải là triệu chứng ban đầu của ung thư bàng quang. Thay vào đó, bệnh nhân thường đi tiểu ra máu. Theo thời gian, khi bệnh phát triển, bạn có thể bị tiểu buốt, tiểu khó, đi tiểu thường xuyên, chán ăn, giảm cân, mệt mỏi,…
Nên cảnh giác nếu bị tiểu ra máu và đau buốt!
Đôi khi, tiểu buốt và ra máu có thể xuất hiện và tự hết. Nhưng nhìn thấy máu trong nước tiểu là tình trạng không bao giờ được bỏ qua. Vì thế, bạn cần phải cảnh giác nếu bị tiểu ra máu và đau buốt.
Hãy đi khám, nếu bạn bị:
- Đái buốt ra máu
- Có dịch tiết từ dương vật hoặc âm đạo
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Đau kéo dài hơn 1 ngày
- Đau lưng hoặc bên hông (đau hạ sườn)
Hãy cấp cứu, nếu bạn bị:
- Tiểu ra máu tiểu buốt
- Sốt cao hoặc ớn lạnh
- Buồn nôn/nôn
Khi tới bệnh viện, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn và thăm khám để xác định nguyên nhân. Hãy đảm bảo trả lời các câu hỏi một cách chân thật và chi tiết nhất có thể, đồng thời làm theo các yêu cầu của bác sĩ.

Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi về:
- Các triệu chứng của bạn và bạn đã mắc chúng bao lâu.
- Bất kỳ tình trạng y tế nào bạn mắc phải, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường hay AIDS. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể bạn đối với nhiễm trùng.
- Về bất kỳ bất thường đã biết nào trong đường tiết niệu của bạn.
- Bạn đang hoặc có thể mang thai.
- Bạn đã thực hiện bất kỳ thủ thuật hoặc phẫu thuật đường tiết niệu nào chưa.
- Bạn có bị nhiễm trùng tiểu lặp lại không.
- Bạn đã thử bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào để giảm đau chưa.
- .v.v.
Nếu có bất kì nghi ngờ nào về nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số xét nghiệm. Chẳng hạn như:
Nếu bác sĩ cho rằng bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu, họ sẽ đề nghị bạn làm xét nghiệm phân tích nước tiểu. Phương pháp này giúp kiểm tra nước tiểu của bạn để tìm sự nhiễm trùng. Họ cũng có thể yêu cầu siêu âm thận hoặc bàng quang để tìm ra các nguồn gây đau, bao gồm cả sỏi thận.
Nếu bác sĩ cho rằng bạn bị viêm âm đạo, họ có thể yêu cầu làm phết tế bào âm đạo. Nếu không tìm thấy nhiễm trùng, họ có thể đề xuất các xét nghiệm khác.
Các lựa chọn điều trị đái buốt ra máu
Các lựa chọn điều trị cho chứng tiểu buốt tiểu ra máu tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Chẳng hạn như:
Nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt việc điều trị cần sử dụng thuốc kháng sinh. Song song với đó là việc sử dụng các loại thuốc chống viêm không kê đơn, thuốc chẹn alpha; xoa bóp tuyến tiền liệt; tắm nước nóng;…
Để điều trị sỏi thận, bác sĩ cần dựa vào kích thước sỏi, vị trí và loại sỏi. Sỏi thận nhỏ có thể đi qua đường tiết niệu mà không cần điều trị.
Sỏi thận lớn hơn hoặc sỏi thận làm tắc nghẽn đường tiết niệu có thể cần được điều trị khẩn cấp. Để loại bỏ sỏi thận hoặc phá vỡ nó thành từng mảnh nhỏ, bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp điều trị sau: tán sỏi bằng sóng xung kích, mổ nội soi để lấy sỏi, lấy sỏi thận qua da,…
Đối với viêm bàng quang kẽ, việc điều trị đôi khi rất phức tạp mới có thể giúp loại bỏ được các triệu chứng bệnh và không có phương pháp nào là phù hợp với tất cả mọi người. Bạn có thể phải cần thử nhiều phương pháp điều trị hoặc kết hợp các phương pháp trước khi tìm ra phương pháp hiệu quả với mình.
Một số phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ là: vật lý trị liệu; uống thuốc chống viêm, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, Pentosan polysulfate natri (Elmiron); kích thích dây thần kinh qua da (TENS), kích thích thần kinh xương cùng; đưa thuốc vào bàng quang; phẫu thuật.
Trong trường hợp bạn bị u nang buồng trứng, tùy thuộc vào kích thước, loại u nang, độ tuổi của bạn cũng như các triệu chứng bạn gặp phải, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, như: thận trong chờ đợi; sử dụng thuốc tránh thai nội tiết; phẫu thuật;…

Phòng ngừa tình trạng đái buốt ra máu bằng cách nào?
Để phòng tránh đái buốt ra máu, bạn nên thực hiện một lối sống lành mạnh để hạn chế các bệnh liên quan tới đường tiết niệu, sinh sản, như:
- Uống đủ nước và đi tiểu khi có nhu cầu. Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh sỏi thận là uống đủ nước mỗi ngày. Việc uống bao nhiêu nước là đủ cần phụ thuộc vào độ tuổi, khí hậu và mức độ hoạt động của bạn. Về cơ bản, bạn đã uống đủ nước nếu hiếm khi cảm thấy khát và nước tiểu có màu vàng nhạt.
- Lau từ trước ra sau. Vi khuẩn có xu hướng quanh quẩn ở hậu môn. Nếu bạn lau từ trước ra sau, đặc biệt là sau khi đi tiêu, chúng sẽ ít có khả năng lây lan tới niệu đạo.
- Rửa sạch trước khi quan hệ tình dục và đi tiểu sau khi quan hệ. Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục giúp vi khuẩn tránh xa niệu đạo và đường tiết niệu.
- Không dùng các sản phẩm gây kích ứng. Phụ nữ hãy bỏ qua các sản phẩm thụt rửa, xịt khử mùi, phấn thơm và các sản phẩm dung dịch phụ nữ có khả năng gây kích ứng. Thay vào đó, hãy sử dụng các sản phẩm vệ sinh dịu nhẹ, phù hợp với pH âm đạo.
- Cân nhắc phương pháp tránh thai. Chất diệt tinh trùng, chất bôi trơn bao cao su,… có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ, bởi chúng đều góp phần vào sự tăng trưởng của vi khuẩn. Vì thế, nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu và sử dụng một trong những phương pháp ngừa thai này, hãy cân nhắc thử một phương pháp ngừa thai khác để xem có hữu ích không.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống để loại bỏ thức ăn và đồ uống gây kích thích bàng quang. Có một số bằng chứng cho thấy, một số loại thực phẩm có khả năng gây kích ứng bàng quang của bạn, chẳng hạn như rượu, caffein, thức ăn cay, sản phẩm có tính axit và chất làm ngọt nhân tạo. Vì thế, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại sản phẩm này. Đặc biệt nếu đang trong giai đoạn điều trị bệnh, hãy cố gắng không tiêu thụ chúng.
Tiểu buốt tiểu ra máu là một triệu chứng phổ biến xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là tình trạng cần được chú ý và điều trị kịp thời. Vì thế, bạn hãy đi khám bác sĩ trước khi bệnh có thời gian trở nên tồi tệ hơn và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác.