Tiểu ra máu ở nam giới là một hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên nó có thể cảnh báo những vấn đề nào, liệu có nguy hiểm hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tiểu ra máu ở nam giới – Một hiện tượng phổ biến
Tiểu ra máu được định nghĩa là sự hiện diện của máu trong nước tiểu của một người. Có hai loại tiểu ra máu, là tiểu máu vi thể và tiểu máu đại thể.
Tiểu máu vi thể là tình trạng có hồng cầu trong nước tiểu, nhưng hàm lượng rất nhỏ, không đủ để nhìn thấy bằng mắt thường, lúc này nước tiểu vẫn trong như bình thường. Nó thường được phát hiện khi bệnh nhân làm xét nghiệm nước tiểu. Lưu ý rằng, nước tiểu có một lượng hồng cầu nhỏ là điều rất bình thường, dựa vào một số tiêu chuẩn nhất định, bác sĩ sẽ biết bạn có bị tiểu máu vi thể hay không. Theo thống kê, trung bình có khoảng 8,6% nam giới bị tiểu máu vi thể và tỉ lệ này dao động từ 2,5% đến 13%.
Tiểu máu đại thể là khi bạn nhận thấy có sự thay đổi rõ ràng về màu sắc nước tiểu, nó có thể có màu hồng, đỏ, hạt dẻ hay thậm chí là màu khói sẫm như cola. Đôi khi, bạn cũng sẽc thấy nước tiểu có các cục máu đông, trông giống như bã cà phê. Theo thống kê, cứ 1000 nam giới lại có 21,8 nam giới bị tiểu máu đại thể.
Nhìn chung, tiểu ra máu ở nam giới là một vấn đề phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Máu có thể xuất hiện trong nước tiểu do tình trạng tổn thương chảy máu ở bất kì vị trí nào dọc theo đường tiết niệu, tuyến tiền liệt hoặc bộ phận sinh dục của bạn, hoặc do một số tình trạng toàn thân như rối loạn chảy máu.

Tiểu ra máu ở nam giới có nguy hiểm không?
Như ta đã nói ở trên, tiểu ra máu có thể do sự chảy máu bất kì bộ phận nào dọc theo đường tiết niệu (gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo), tuyến tiền liệt, bộ phận sinh dục hoặc do một số tình trạng toàn thân.
Trong các nguyên nhân này, có những nguyên nhân được đánh giá là nguy hiểm, có những nguyên nhân không quá nghiêm trọng. Chẳng hạn như:
- Nguyên nhân nguy hiểm, nghiêm trọng: ung thư, nhiễm trùng, chấn thương, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, hẹp khúc nối bể thận,…
- Nguyên nhân ít nghiêm trọng: phì đại tuyến tiền liệt lành tính, sỏi thận hoặc sỏi bàng quang,…
- Nguyên nhân không nghiêm trọng: ăn một số loại thực phẩm, tập thể dục gắng sức, sử dụng một số loại thuốc,…
Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào, bất kì khi nào bạn nhìn thấy có máu trong nước tiểu, bạn cũng không được chủ quan và tình trạng này cần được đánh giá đầy đủ bởi các bác sĩ, ngay cả khi nó tự khỏi.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây tiểu ra máu có thể không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh có thể tiến triển và gây ra những biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
☛ Tìm hiểu thêm: Tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Cảnh báo: Hãy tìm kiếm chăm sóc y tế ngay lập tức, nếu bạn có các triệu chứng dưới đây:
- Tiểu ra máu sau một chấn thương (chẳng hạn ngã, tai nạn)
- Sốt, buồn nôn, ói mửa, ớn lạnh hoặc đau ở bụng, bên lưng, hông
- Có các cục máu đông trong nước tiểu
Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết một số nguyên nhân thường gặp gây tiểu ra máu ở nam giới.

Nguyên nhân nào gây tình trạng tiểu ra máu ở nam giới?
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) là một nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu ở nam giới. Mặc dù phụ nữ thường có nguy cơ bị nhiễm trùng tiết niệu cao hơn, nhưng nam giới cũng có khả năng gặp phải tình trạng này.
UTIs xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo (một ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể), bàng quang, sau đó nó có thể lan tới các cơ quan khác như thận.
Ngoài đi tiểu ra máu, các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu là:
- Tiểu gấp, tiểu thường xuyên
- Đau rát ở niệu đạo
- Nước tiểu đục, mùi nồng
- .v.v.
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu lan tới thận, nó có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, như:
- Đau lưng, hai bên hông, bẹn
- Buồn nôn, ói mửa
- Sốt hay ớn lạnh
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được điều trị có thể lan tới thận và toàn cơ thể, lúc này bệnh trở nên rất nguy hiểm, thậm chí gây chết người do tình trạng nhiễm trùng huyết.

Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang
Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang cũng là một nguyên nhân gây tiểu ra máu ở nam giới.
Các viên sỏi này hình thành khi nước tiểu của bạn chứa nhiều chất tạo tinh thể (canxi, oxalat, axit uric) hơn là chất lỏng. Đồng thời, nước tiểu cũng có thể thiếu chất ngăn chặn các tinh thể dính lại với nhau. Tất cả những điều này tạo ra một môi trường lý tưởng cho sỏi hình thành.
Thông thường, những viên sỏi nhỏ có thể bị đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu tiện. Còn những viên sỏi lớn hơn sẽ bị giữ lại trong thận, bàng quang hoặc mắc kẹt ở những nơi khác trong đường tiết niệu. Những viên sỏi lớn này có thể gây ra nhiều triệu chứng như:
- Đi tiểu ra máu
- Bí tiểu
- Đau dữ dội, đau nhói ở bên và lưng, dưới xương sườn
- Đau lan xuống bụng dưới và bẹn
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường hoặc đi tiểu với số lượng ít
- Sốt và ớn lạnh nếu bị nhiễm trùng
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Sỏi thận là một vấn đề phổ biến, mặc dù gây đau đớn nhưng thường không gây tổn thương. Tuy nhiên, nếu không điều trị nó có thể làm tắc nghẽn niệu quả và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Do thể dục gắng sức
Tiểu ra máu do thể dục gắng sức (Exercise induced hematuria – EIH) đề cập đến tình trạng có máu xuất hiện trong nước tiểu sau khi một người tập thể dục. Các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây ra EIH, nhưng nó có thường liên quan đến tập thể dục cường độ cao, hơn là thời gian tập luyện. Những người không uống đủ nước trong khi thời gian tập luyện cũng có thể gặp tình trạng này.
Mức độ nguy hiểm: EIH thường là vô hại và máu sẽ biến mất trong vòng 3 ngày (72 giờ) sau khi tập luyện. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đi khám. Bởi lúc này nó thể là một vấn đề đáng lo ngại.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt
Hay còn gọi là u xơ tuyến tiền liệt, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BHP). Đây là một vấn đề phổ biến xảy ra ở nam giới cao tuổi, nó đề cập đến tình trạng tuyến tiền liệt tăng trưởng về kích thước khi nam giới già đi.
Tuyến tiền liệt là một tuyến thuộc hệ thống sinh sản nam và tham gia vào việc sản xuất tinh dịch. Nó nằm bên dưới bàng quang và trước trực tràng, bao quanh niệu đạo. (Xem thêm: Tuyến tiền liệt ở đâu?). Vì thế, khi bị phì đại, nó có thể chèn ép vào niệu đạo, bàng quang. Lúc này, bàng quang phải bù đắp bằng cách làm việc nhiều hơn để thải nước tiểu ra ngoài, chính điều này có thể dẫn đến tổn thương và gây chảy máu.
Ngoài ra, phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng tiết niệu khác, như:
- Tiểu nhiều lần
- Tiểu đêm
- Tiểu són
- Tiểu gấp
- Tiểu ngắt quãng
- Tiểu khó
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: BPH là một tình trạng lành tính, không ảnh hưởng tới tính mạng và không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra những bất tiện và khó chịu trong cuộc sống. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra bí tiểu cấp tính – đây là một trường hợp cần cấp cứu y tế ngay lập tức nếu không sẽ đe dọa tới tính mạng.
Biến chứng do khám, chữa bệnh
Trong một số trường hợp khám, chữa bệnh, nam giới cũng có thể gặp biến chứng gây ra máu trong nước tiểu, như:
- Đặt ống thông
- Phẫu thuật nội soi
- Sinh thiết tuyết tiền liệt qua đường trực tràng
- Xạ trị
- Tán sỏi bằng ngoài cơ thể
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Thông thường, tiểu ra máu do các tình trạng này thường không đáng lo ngại và sẽ dần biến mất sau quá trình khám, điều trị bệnh.
Với tiểu ra máu do dặt ống thông, nó xảy ra do vi khuẩn xậm nhập vào niệu đạo và sinh sôi, dẫn đến một tình trạng gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông (CAUTI). Các triệu chứng của CAUTI cũng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường và có thể kèm theo co thắt ở lưng dưới hoặc bụng. CAUTI rất nguy hiểm vì chúng có thể dẫn đến nhiễm trùng thận nặng. Vì thế việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng đối với sức khỏe lâu dài của bệnh nhân.
Viêm cầu thận
Viêm cầu thận (Glomerulonephritis – GN) là thuật ngữ chỉ một nhóm bệnh gây ra tình trạng viêm của các cầu thận – một cấu trúc nhỏ bên trong thận giúp lọc và làm sạch máu. Viêm cầu thận có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc diễn ra lâu dài (mãn tính).
Các triệu chứng của viêm cầu thận là:
– GN cấp tính:
- Đi tiểu thường xuyên
- Có bọng mắt trên mặt
- Đi tiểu ra máu
- Có dịch trong phổi gây ho
- Huyết áp cao
- .v.v.
– GN mãn tính:
- Tiểu ra máu vi thể
- Huyết áp cao
- Sưng ở mắt cá chân và mặt
- Đi tiểu đêm
- Nước tiểu sủi bọt
- Đau bụng
- Thường xuyên chảy máu cam
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Khi bị cầu thận bị viêm, nó không thể loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Theo thời gian, bệnh có thể dẫn tới suy thận, mất thính giác và thị lực, cao huyết áp, cholesterol cao và sưng phù khắp cơ thể.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt cũng là nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu ở nam giới. Thông thường, ung thư tuyến tiền liệt phát triển rất chậm và có thể chỉ cần điều trị tối thiểu hay thậm chí không cần điều trị, tuy nhiên cũng có những loại ung thư phát triển mạnh và lây lan nhanh chóng.
Trong giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng gì. Khi bệnh tiến triển, nam giới có thể thấy một số dấu hiệu tương tự như các triệu chứng của u xơ tuyến tiền liệt, ví dụ:
- Đau âm ỉ ở vùng xương chậu dưới
- Tiểu nhiều lần
- Tiểu khó, căng thẳng khi đi tiểu
- Tiểu không hết
- Tiểu ra máu
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Xuất tinh đau, có máu
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Ung thư tuyến tiền liệt nếu được phát hiện sớm khi chưa di căn thì cơ hội điều trị thành công là rất cao. Tiên lượng sống trên 5 năm lên tới gần 100%. Nhưng một khi ung thư bắt đầu phát triển nhanh chóng hoặc lan ra ngoài tuyến tiền liệt thì bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.
☛ Tham khảo chi tiết tại: Ung thư tiền liệt tuyến – Căn bệnh nguy hiểm ở nam giới
Ung thư bàng quang
Tiểu ra máu cũng có thể là triệu chứng sớm của ung thư bàng quang. Ngoài triệu chứng này, ở giai đoạn đầu của ung thư bàng quang, bạn cũng có thể gặp:
- Tăng tần suất đi tiểu
- Khó đi tiểu
- Dòng nước tiểu yếu
- Đau rát khi đi tiểu
- .v.v.
Khi bệnh tiến triển, bạn có thể gặp một số triệu chứng khác:
- Bí tiểu
- Đau lưng một bên
- Sưng bàn chân
- Chán ăn
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Đau xương
- .v.v.
Mức độ nguy hiểm: Ung thư bàng quang có thể lành tính hoặc ác tính. Nếu ác tính, nó có thể đe dọa tính mạng vì tốc độ lây lan nhanh chóng. Triển vọng đối với những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 0a (không xâm lấn) là rất tốt, những bệnh nhân ở giai đoạn này có thể được chữa khỏi khi điều trị.
Thực phẩm
Nếu bạn ăn một số loại thực phẩm có màu đỏ đậm như: củ cải đỏ, đậu fava, đại hoàng, các loại quả mọng,… Chúng cũng có thể khiến cho nước tiểu của bạn có màu đỏ.
Mức độ nguy hiểm: Tình trạng này thường là vô hại và sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu nó không biến mất hoặc bạn lo lắng về vấn đề này, hãy đi khám để chắc chắn hơn về tình trạng nước tiểu có màu đỏ của mình.
☛ Bài chi tiết: Tiểu ra máu là bị bệnh gì?

Có cần phải xét nghiệm thường xuyên để phát hiện tiểu ra máu?
Như đã nói ở trên, tiểu ra máu đại thể là tình trạng có thể nhìn thấy bằng mắt thường và bạn cần đi khám sớm nếu gặp hiện tượng này.
Với tiểu ra máu vi thể – là tình trạng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, bạn không cần phải thường xuyên để kiểm tra phát hiện tình trạng này, trừ khi bạn thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư. Nếu thuộc nhóm này, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về việc tầm soát ung thư.
Những nam giới nên tầm soát ung thư là:
- Lớn hơn 50 tuổi
- Hút thuốc
- Có người thân trong gia đình bị ung thư
- Làm các công việc tiếp xúc với hóa chất, thuốc nhuộm

Chẩn đoán tiểu ra máu ở nam giới
Để chẩn đoán được nguyên nhân tiểu ra máu, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Lần đầu tiên bạn thấy máu trong nước tiểu là khi nào?
- Màu sắc nước tiểu là gì?
- Nước tiểu có mùi hôi không?
- Bạn có bị đau khi đi tiểu hoặc các triệu chứng nhiễm trùng khác không?
- Bạn có phải thường xuyên đi tiểu không, có tiểu gấp không?
- Bạn đang dùng thuốc gì?
- Trước đây bạn có bị các vấn đề về tiết niệu, thận, hoặc gần đây có phẫu thuật hay gặp chấn thương gì không?
- Gần đây bạn có ăn các loại thực phẩm như củ cải đường, quả mọng hoặc cây đại hoàng không?
- .v.v.
Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và thực hiện phân tích nước tiểu. Nếu trong quá trình khám, bác sĩ có nghi ngờ nguyên nhân nào đó, họ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm kiểm tra, như:
- Siêu âm bụng
- Xét nghiệm công thức máu
- Sinh thiết thận
- Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B
- Xét nghiệm tế bào hình liềm, các vấn đề về chảy máu và các rối loạn máu khác
- Tế bào học nước tiểu
- Nuôi cấy nước tiểu
- Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để tìm creatinine, protein, canxi.
- .v.v.

Điều trị tiểu ra máu ở nam giới
Việc điều trị tiểu ra máu ở nam giới cần phụ thuộc vào nguyên nhân. Một số nguyên nhân có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Về cơ bản, các phương pháp điều trị gồm:
- Thuốc men
- Thay đổi lối sống
- Phẫu thuật
☛ Xem thêm: Tiểu ra máu uống thuốc gì?
Kết luận
Tiểu ra máu ở nam giới là một tình trạng không hiếm gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Có những nguyên nhân vô hại và cũng có những nguyên nhân thực sự nghiêm trọng. Vì thế, bạn không nên bỏ qua nếu thấy nước tiểu của mình có máu, hãy đi khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.