Đôi khi, bạn cảm thấy buốt, đau khi đi vệ sinh. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, một vài trong số đó không nguy hiểm, một vài thì cần được quan tâm và điều trị sớm. Vậy, đi vệ sinh buốt là thế nào, có nguy hiểm không, điều trị ra sao?
Mục lục
- Đi vệ sinh buốt là thế nào?
- Nguyên nhân, mức độ nguy hiểm
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng âm đạo
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
- Nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt)
- Sỏi đường tiết niệu
- Kích ứng niệu đạo do một số hoạt động hoặc hóa chất
- Viêm bàng quang kẽ
- Thay đổi âm đạo liên quan đến mãn kinh
- Tác dụng phụ từ một số loại thuốc
- U đường tiết niệu
- Khi nào cần đi khám?
- Chẩn đoán
- Điều trị đi vệ sinh buốt
Đi vệ sinh buốt là thế nào?
Đi vệ sinh buốt hay đái buốt, đái đau làm cảm giác khó chịu, đau rát khi đi tiểu. Cảm giác đau buốt này có thể tăng dần, từ đau nóng rát đến buốt như kim châm trong bàng quang, tuyến tiền liệt (ở nam giới) lan ra tới niệu đạo. Đôi khi, nó còn khiến người bệnh cảm thấy buốt như có lưỡi dao xẻ dọc niệu đạo, làm họ sợ đi tiểu.
Tiểu buốt là một triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý tiết niệu khác nhau. Và tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân mà sẽ có thêm nhiều triệu chứng đi kèm với tiểu buốt, chẳng hạn như: đau mạn sườn, đau bụng dưới hoặc bẹn; tiểu nhiều lần; tiểu gấp; nước tiểu đục, có mùi; dịch tiết từ âm đạo hoặc dương vật;…
Đi vệ sinh buốt thường gặp ở nữ giới hơn nam giới. Ở nam giới, bệnh này thường gặp ở đàn ông lớn tuổi.
Nguyên nhân, mức độ nguy hiểm
Đi vệ sinh buốt thường xảy ra do một số nguyên nhân sau đây:
– Nhiễm trùng:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng âm đạo
- Nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt)
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
– Viêm và kích ứng:
- Sỏi đường tiết niệu
- Kích ứng niệu đạo do một số hoạt động (quan hệ tình dục, cưỡi ngựa, đạp xe,…) hoặc do nhạy cảm với một số chất hóa học (Hội chứng niệu đạo)
- Viêm bàng quang kẽ
- Thay đổi âm đạo liên quan đến mãn kinh
- Tác dụng phụ từ một số loại thuốc
- Có khối u trong đường tiết niệu
Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về các nguyên nhân này. Lưu ý: Đây không phải là toàn bộ nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đi vệ sinh buốt. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới một số nguyên nhân thường gặp phải.

Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng tiểu buốt. Nó thường do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo.
Sự nhiễm trùng này có thể xảy ra ở bất kì phần nào thuộc đường tiết niệu, gồm: bàng quang, thận, niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang), niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể).
Mức độ nguy hiểm. UTIs nếu không được điều trị các triệu chứng sẽ dần xấu đi theo thời gian, dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn, một số cơ quan ngừng hoạt động. Nó cũng có thể gây ra nhiễm trùng toàn cơ thể, lúc này bệnh trở nên rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người.
Nhiễm trùng âm đạo
Đi vệ sinh buốt cũng có thể là dấu hiệu của viêm âm đạo hay nhiễm trùng âm đạo.
Nhiễm trùng âm đạo là một bệnh phổ biến ở nữ giới, đặc biệt trong độ tuổi sinh đẻ và mang thai. Có 3 loại nhiễm trùng âm đạo phổ biến là: nhiễm nấm, nhiễm khuẩn âm đạo và nhiễm Trichomonas. Đây không phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng đôi khi một số hành vi tình dục có thể làm tăng nguy cơ bị viêm âm đạo.
Mức độ nguy hiểm. Nhiễm trùng âm đạo không phải là một bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu không điều trị nó có thể gây ra những triệu chứng đáng lo ngại. Đặc biệt, nếu bạn đang mang thai, bạn phải điều trị viêm âm đạo vì có một khả năng nhỏ là tình trạng này có thể gây ra các biến chứng cho thai kỳ.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs)
Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cũng có thể khiến bạn đi vệ sinh buốt, chẳng hạn như: mụn rộp sinh dục, chlamydia, lậu, HIV,…
Thuật ngữ bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) được sử dụng để chỉ các tình trạng bệnh lây truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục, có thể là qua đường âm đạo, hậu môn hay miệng. STD cũng có thể được gọi là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc bệnh hoa liễu (VD).
Mức độ nguy hiểm. Nếu không điều trị, STDs có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số bệnh gây ra bởi HPV còn có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung ở phụ nữ. Nhưng tin tốt là hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể điều trị được.
Nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt)
Một số hội chứng viêm tuyến tiền liệt cũng gây đi vệ sinh buốt cùng một loạt các triệu chứng tiết niệu khác.
Thuật ngữ viêm tuyến tiền liệt được định nghĩa là tình trạng viêm vi mô của mô của tuyến tiền liệt, nó có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc là một số hội chứng với các đặc điểm lâm sàng khác nhau. Bốn hội chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt được Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) xác định và công nhận gồm:
- I – Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
- II – Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
- III – Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn hay hội chứng đau vùng chậu mãn tính;
- IV – Viêm tuyến tiền liệt do viêm không có triệu chứng
Viêm tuyến tiền liệt chỉ xuất hiện ở nam giới và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở nam giới tuổi 30 đến 50.
Mức độ nguy hiểm: Viêm tuyến tiền liệt thường không phải là một tình trạng đe dọa tính mạng (trừ khi nhiễm trùng nặng không được điều trị), nhưng nó có thể gây ra những triệu chứng rất phiền toái, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh.
Không có bằng chứng nào cho thấy viêm tuyến tiền liệt có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt.

Sỏi đường tiết niệu
Sỏi thường bắt đầu hình thành trong thận và có thể to ra trong niệu quản hoặc bàng quang. Tùy thuộc vào vị trí của sỏi trong hệ tiết niệu, nó có thể được gọi là sỏi thận, sỏi niệu quản hay sỏi bàng quang. Đây là những khối cứng, được tạo thành từ các khoáng chất có trong nước tiểu.
Những viên sỏi nhỏ thường không gây ra triệu chứng gì và có thể bị đào thải ra ngoài trong khi đi tiểu, nhưng những viên sỏi lớn có thể gây đau dữ dội, tiểu buốt ra máu, tiểu khó, tiểu gấp…
Mức độ nguy hiểm: Sỏi đường tiết niệu (ngay cả những loại không gây ra triệu chứng) cũng có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như: nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu cấp tính, gây khó tiểu lâu dài, tắc nghẽn niệu quản gây hẹp niệu quản,…
Kích ứng niệu đạo do một số hoạt động hoặc hóa chất
Có một số nguyên nhân không do nhiễm khuẩn những vẫn có thể gây kích ứng, tổn thương niệu đạo, với các triệu chứng như: đi vệ sinh buốt, tiểu khó, tiểu ra máu, tiểu gấp, đau bụng dưới, khó chịu âm hộ (ở nữ giới), sưng tinh hoàn, đau khi xuất tinh, xuất tinh ra máu (ở nam giới),… Tình trạng này được gọi với tên chung là hội chứng niệu đạo.
Nguyên nhân kích ứng bao gồm:
- Nhạy cảm với các sản phẩm có mùi thơm, như nước hoa, xà phòng, sữa tắm, băng vệ sinh,…
- Gel tránh thai
- Chất diệt tinh trùng
- Một số loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine
- Hóa trị và xị trị
Nguyên nhân tổn thương bao gồm:
- Một số hoạt động tình dục
- Sử dụng tampon
- Đi xe đạp
- Cưỡi ngựa
- Sử dụng màng ngăn âm đạo để tránh thai
Mức độ nguy hiểm. Đây không phải là một tình trạng nguy hiểm. Bạn có thể ngăn ngừa nó bằng cách thay đổi lối sống, tránh các hóa chất có thể gây kích ứng niệu đạo,… Trong một số trường hợp rất hiếm, bạn có thể cần phải phẫu thuật để làm giảm các triệu chứng.

Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ thường có các dấu hiệu giống với nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính, như: tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần (đôi khi có thể lên tới 50-60 lần/ngày), cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đau ở thận, bàng quang,… Các triệu chứng này có thể khác nhau ở mỗi người và thay đổi theo thời gian.
Viêm bàng quang kẽ (IC), còn được gọi là hội chứng đau bàng quang, là một tình trạng mãn tính hoặc kéo dài, gây ra bởi nhiều triệu chứng đau. Nguyên nhân của viêm bàng quang kẽ không phải do nhiễm trùng và thường không rõ ràng. Có một số yếu tố được cho làm làm tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang kẽ, như: nhịn tiểu hoặc nhịn tiểu quá lâu; căng thẳng cảm xúc; đang trong chu kì kinh nguyệt; thiếu nước; thay đổi thời tiết;…
Mức độ nguy hiểm: Viêm bàng quang kẽ không phải là một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng và không dấn tới ung thư. Nhưng nếu không được điều trị, nó có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Theo các cuộc khảo sát, 1/2 bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ không thể làm việc toàn thời gian.
Thay đổi âm đạo liên quan đến mãn kinh
Bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ sẽ suy giảm mạnh và điều này gây ra những ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể họ, bao gồm cả âm đạo, hệ tiết niệu. Teo âm đạo là một trong số đó.
Teo âm đạo là tình trạng âm đạo bị khô, mỏng, kém đàn hồi, viêm nhiễm ở thành âm đạo khi estrogen suy giảm. Đối với nhiều phụ nữ, teo âm đạo không chỉ khiến việc quan hệ vợ chồng trở nên đau đớn, mà còn gây ra nhiều triệu chứng tiết niệu, như đi vệ sinh buốt. Vì tình trạng này gây ra cả triệu chứng âm đạo và tiết niệu, các bác sĩ thường sử dụng thuật ngữ “hội chứng tiết niệu sinh dục của thời kỳ mãn kinh (GSM)” để mô tả chứng teo âm đạo và các triệu chứng kèm theo của nó.
Mức độ nguy hiểm: Teo âm đạo trong thời kì mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng âm đạo, rối loạn tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu,… Đồng thời nó còn làm ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng vì người phụ nữ quan hệ bị đau đớn.
Tác dụng phụ từ một số loại thuốc
Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc mà bác sĩ kê đơn có thể gây ra những kích ứng và làm viêm các mô bàng quang, dẫn đến đau buốt khi đi tiểu.
Nếu bạn mới sử dụng các loại thuốc này và gặp tình trạng tiểu buốt, hãy liên hệ với bác sĩ để hỏi xem liệu các triệu chứng có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không và nên làm gì trong trường hợp này. Bạn không được tự ý ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.

U đường tiết niệu
Có khối u trong đường tiết niệu cũng là một nguyên nhân gây ra tiểu buốt. Khối u tiết niệu có thể xuất hiện ở bất kì đâu thuộc hệ tiết niệu, bao gồm bể thận, niệu quả, bàng quang, niệu đao. Nhưng thường gặp nhất (>90%) là u ở bàng quang.
Ngoài tiểu buốt, u đường tiết niệu cũng có thể gây ra những thay đổi khác trong việc đi tiểu, chẳng hạn như: đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, khó tiểu, tia nước tiểu yếu, tiểu đêm nhiều lần, tiểu khẩn cấp,…
Mức độ nguy hiểm: Ung thư đường tiết niệu rất phổ biến và bao gồm một loạt các tổn thương khác nhau, từ các khối u lành tính nhỏ đến các khối u ác tính với tỷ lệ tử vong cao.
Khi nào cần đi khám?
Không phải cứ bị đi vệ sinh buốt, đau rát là bạn cần đi khám ngay. Dưới đây, chúng tôi sẽ gợi ý một số trường hợp để bạn có thể đánh giá tình trạng của mình và quyết định xem khi nào cần đi khám.
Đi khám ngay sau đi vệ sinh buốt, nếu:
- Bạn có các rối loạn trong hệ thống miễn dịch
- Đang mang thai
Nếu bạn bị tiểu buốt và thuộc hai nhóm đối tượng trên, hãy đi khám vào ngay ngày hôm đó hoặc vào buổi sáng nếu các triệu chứng xuất hiện vào ban đêm. Bởi nếu chẳng may bạn bị đi vệ sinh buốt do nhiễm trùng đường tiết niệu, nó có thể trở nên cực kì nghiêm trọng với những người như bạn.
Ngoài ra, nếu bạn không thuộc 2 nhóm đối tượng trên nhưng có các triệu chứng dưới đây kèm với tiểu buốt, bạn cũng cần tới bệnh viện ngay lập tức:
- Nước tiểu đục, đỏ, hồng hoặc nâu
- Nước tiểu có mùi nặng
- Đau vùng chậu (ở phụ nữ)
- Sốt cao
- Rùng mình và ớn lạnh
- Buồn nôn nghiêm trọng hoặc nôn mửa
Đối với những người không có dấu hiệu báo trước, các triệu chứng nhẹ, bạn có thể theo dõi khoảng 2-3 ngày rồi đi khám.

Chẩn đoán
Khi đi khám, trước tiên bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử và hỏi về các triệu chứng của bạn, như:
- Bạn bị đi vệ sinh buốt khi nào?
- Nó bắt đầu đột ngột hay dần dần?
- Nó xảy ra một lần hay nhiều?
- Bạn bị buốt khi bắt đầu đi tiểu hay khi kết thúc?
- Nước tiểu có máu, đục hoặc có mùi hôi không?
- Bạn có sử dụng biện pháp tránh thai nào như chất diệt tinh trùng, màng ngăn âm đạo không? (Nếu là nữ)
- Bạn có đang mang thai không? (Nếu là nữ)
- Bạn có đặt ống thông bàng quang hay thực hiện một thủ thuật đường tiết niệu nào khác không?
Sau đó, họ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Chẳng hạn: nếu là phụ nữ, bác sĩ có thể khám vùng chậu và lấy dịch cổ tử cung – âm đạo để kiểm tra STDs. Ở nam giới, bác sĩ có thể kiểm tra xem dương vật có tiết dịch không, khám trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt.
Các bác sĩ đôi khi có thể tìm ra manh mối cho nguyên nhân dựa trên vị trí mà các triệu chứng diễn ra nghiêm trọng nhất. Ví dụ:
- Nếu các triệu chứng nghiêm trọng nhất xảy ra ngay trên xương mu, thì nguyên nhân có thể là nhiễm trùng bàng quang.
- Nếu các triệu chứng nghiêm trọng nhất là ở việc mở niệu đạo, nguyên nhân có thể là do viêm niệu đạo.
- Tiết dịch cổ tử cung có thể là do viêm cổ tử cung.
- .v.v.
Dựa vào các nguyên nhân gợi ý này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán chính xác tình trạng của bạn. Chẳng hạn hạn như:
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu
- Siêu âm thận và bàng quang
- Soi bàng quang
- .v.v.
Sau khi chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây đi vệ sinh buốt. Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn về phương pháp điều trị.

Điều trị đi vệ sinh buốt
Đi vệ sinh buốt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, vì thế việc điều trị cần phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản cũng như tình trạng bệnh. Chúng thường bao gồm:
- Thuốc men. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc giúp thư giãn cơ bàng quang, tuyến tiền liệt,…
- Tiêm botox. Tiêm botox cũng làm một thủ thuật giúp thư giãn cơ bàng quang. Điều này cho phép bàng quang lưu trữ nhiều nước tiểu hơn, giảm tình trạng đi tiểu thường xuyên, đi vệ sinh buốt.
- Phẫu thuật. Trong một số trường hợp nhất định, bạn có thể cần phẫu thuật mới khắc phục được tình trạng bệnh.
Ví dụ:
- Nếu đi vệ sinh buốt do nhiễm trùng, việc điều trị cần dùng thuốc kháng sinh. Nếu nhiễm trùng nặng, có thể cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Nếu đi vệ sinh buốt do viêm tuyến tiền liệt. Bệnh nhân có thể cần dùng thuốc kháng sinh trong khoảng vài tuần, tối đa 12 tuần nếu bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc chẹn alpha và hướng dẫn bạn một số phương pháp chăm sóc tại nhà, như: xoa bóp tuyến tiền liệt, tắm nước nóng.
- Nếu đi vệ sinh buốt do kích ứng với hóa chất. Bạn cần tránh sử dụng xà phòng mạnh hoặc các sản phẩm hóa học khác gần bộ phận sinh dục.
- Nếu đi vệ sinh buốt do sỏi. Sỏi thận có thể tự đào thải ra ngoài mà không cần điều trị. Nhưng nếu nó gây ra biến chứng, bạn cần phải điều trị để đưa sỏi ra ngoài, bằng một số phương pháp như: phẫu thuật để loại bỏ sỏi lớn, tán sỏi bằng sóng xung kích,…
Song song với đó, bác sĩ thường sẽ khuyên bạn thay đổi lối sống để ngăn ngừa tình trạng tiểu buốt, như:
- Uống đủ nước (nước giúp pha loãng nước tiểu, khiến việc đi tiểu bớt đau đớn hơn)
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Tránh thức ăn và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang (cà phê, rượu, thực phẩm cay, chất làm ngọt nhân tạo, hoa quả nhiều axit như cam quýt)
- Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch.
- v.v.
☛ Tìm hiểu thêm: Tiểu buốt nên ăn gì để hết?
Kết luận
Đi vệ sinh buốt là triệu chứng thường gặp và có thể gặp ở cả nam và nữ. Tiểu buốt có thể nghiêm trọng hoặc không, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân, dù không nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng. Vì thế, nếu gặp tình trạng này kéo dài, bạn nên thu xếp đi khám để được đi khám và điều trị kịp thời.
Để được tư vấn thêm, bạn có thể gọi tới tổng đài 1800.1258 để được tư vấn miễn phí.