Nam giới bị đi tiểu buốt ra máu là dấu hiệu cho thấy thận hoặc một bộ phận khác của đường tiết niệu đang gặp vấn đề. Vậy đái buốt ra máu ở nam giới có thể là bệnh gì và nguy hiểm hay không?
Mục lục
Biểu hiện đái buốt ra máu ở nam giới
Để biết đái buốt ra máu ở nam giới có biểu hiện như thế nào, đầu tiên chúng ta cần hiểu được thế nào là đái buốt và đái ra máu:
– Đi tiểu buốt là khi bạn cảm thấy đau, khó chịu, nóng rát trong hoặc sau khi đi tiểu. Ở nam giới, cảm giác đau rát này thường xảy ra ở đầu dương vật là dữ dội nhất, bất kể nguyên nhân là do niệu đạo hay bàng quang. Đôi khi nam giới có thể thấy cảm giác đau buốt này như lưỡi dao xẻ dọc niệu đạo, khiến họ thấy sợ hãi, căng thẳng mỗi khi đi tiểu.
– Đi tiểu ra máu hay đái máu là tình trạng nước tiểu của bạn có xuất hiện hồng cầu. Mức độ có thể từ rất nhỏ, chỉ nhìn thấy trên kính hiển vi (tiểu máu vi thể) tới đủ nhiều để thấy nước tiểu đổi màu thành hồng nhạt hay nâu sậm như cola (tiểu máu đại thể).
☛ Tìm hiểu thêm: Phân loại đi vệ sinh ra máu
Như vậy, biểu hiện đái buốt ra máu ở nam giới là khi nam giới cảm thấy đau, khó chịu, nóng rát khi đi tiểu, kèm theo đó là có hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu. Trong đó có thể chia tình trạng này thành đái buốt kèm theo tiểu máu vi thể hoặc đái buốt kèm theo tiểu máu tổng thể. Cụ thể:
– Đái buốt kèm tiểu máu vi thể thì người bệnh chỉ cảm giác đau buốt khi đi tiểu hoặc sau khi đi tiểu chứ không nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ. Việc thấy máu chỉ được phát hiện khi người bệnh đi khám và làm các xét nghiệm.
– Đái buốt kèm tiểu máu đại thể thì người bệnh vừa có cảm giác đau buốt, vừa nhìn thấy nước tiểu của mình có máu. Tùy vào nồng độ nhiều ít của máu mà nam giới có thể thấy nước tiểu có màu từ hồng nhạt tới nâu sậm, đôi khi có thể nhìn thấy cả các cục máu đông.

Đái buốt ra máu ở nam giới là bệnh gì?
Đái buốt ra máu ở nam giới là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau. Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên nhân phổ biến nhất và mức độ nguy hiểm của nó.
Viêm tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ có kích thước như quả óc chó, nằm ở trước trực tràng, ngay dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo ở cổ bàng quang (cổ bàng quang là khu vực mà niệu đạo nối với bàng quang, còn niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể).
☛ Tìm hiểu thêm: Tuyến tiền liệt ở nam giới là gì?
Do có vị trí như trên, khi tuyến tiền có vấn đề gì thì hệ tiết niệu rất dễ bị ảnh hưởng theo. Một trong số đó là tình trạng viêm tuyến tiền liệt – nguyên nhân gây ra hiện tượng đái buốt ra máu ở nam giới.
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị sưng tấy, có thể xảy ra do vi khuẩn hoặc không do vi khuẩn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các dấu hiệu và triệu chứng của chúng có thể bao gồm: đái buốt ra máu ở nam giới, tiểu gấp, nước tiểu đục, khó tiểu, xuất tinh đau, khó chịu ở dương vật hoặc tinh hoàn,…
☛ Mức độ nguy hiểm: Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn sẽ khỏi khi được điều trị thích hợp. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn huyết (là tình trạng có thể đe dọa tính mạng), viêm mào tinh hoàn, áp xe tuyến tiền liệt,….
Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn thường phát triển từ từ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, chúng khó chẩn đoán và điều trị hơn bởi nhiều khi không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Nó cũng có thể gây ra một số biến chứng nếu không điều trị, như: khó tiểu, rối loạn chức năng tình dục, đau vùng chậu mãn tính, đau mãn tính khi đi tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là thuật ngữ y tế dùng để chỉ các bệnh nhiễm trùng xảy ra ở bất kì bộ phận nào thuộc đường tiết niệu, cụ thể là thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Đường tiết niệu được chia thành đường tiết niệu trên (gồm thận, niệu quản) và đường tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo). Trong đó, nhiễm trùng đường tiết niệu dưới là phổ biến nhất và cũng là một trong các nguyên nhân khiến nam giới đái buốt ra máu.
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli), có tự nhiên trong cơ thể bạn. Vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo (niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang qua dương vật).
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, nam giới có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Đi tiểu đau, buốt và cảm giác nóng bỏng
- Tiểu ra máu
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu gấp (đột ngột muốn đi tiểu mà không thể dừng lại)
- Đau ở giữa bụng dưới, ngay trên xương mu
- .v.v.2018
☛ Mức độ nguy hiểm: Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu dưới có thể lan đến thận, gây nhiễm trùng thận. Nhiễm trùng thận không được điều trị có thể dẫn đến bệnh thận mãn tính hoặc suy thận. Nó cũng có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng huyết, là một tình trạng đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Sỏi thận
Sỏi thận là những khoáng chất nằm trong đài thận và bể thận, được tìm thấy tự do hoặc gắn vào các nhú thận. Chúng có chứa các thành phần tinh thể và hữu cơ, hình thành khi nước tiểu trở nên bão hóa đối với một số khoáng chất. Nhân loại đã bị ảnh hưởng bởi sỏi thận từ nhiều thế kỷ trở về trước (viên sỏi thận cổ nhất có niên đại là 4000 năm trước công nguyên) và đây là căn bệnh phổ biến nhất của đường tiết niệu.
Sỏi thận là một trong những nguyên nhân gây đái buốt ra máu ở nam giới. Thông thường, sỏi thận sẽ không gây ra các triệu chứng nào cho đến khi nó di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản (ống nối giữa thận và bàng quang). Nếu bị mắc kẹt trong niệu quản, sỏi có thể chặn dòng chảy của nước tiểu và làm cho thận sưng lên, khi niệu quản có thắt sẽ gây ra nhiều đau đớn. Tại thời điểm này, nam giới có thể gặp thêm các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Đau dữ dội, đau nhói ở bên hông và lưng, dưới xương sườn
- Đau lan xuống bụng dưới và bẹn
- Cảm giác nóng hoặc đau buốt khi đi tiểu
- Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu
- Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
- Liên tục có nhu cầu đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn bình thường hoặc đi tiểu với số lượng ít
- Buồn nôn và ói mửa
- .v.v.
☛ Mức độ nguy hiểm: Hầu hết các viên sỏi nhỏ sẽ đi ra khỏi cơ thể theo đường tiết niệu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng một số sỏi thận có thể mắc kẹt trong niệu quản và gây ra những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn: nhiễm trùng thận, tắc nghẽn thận,… Nếu mắc kẹt trong thời gian dài, nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng, khiến thận ngừng hoạt động.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Thuật ngữ bệnh lây truyền qua đường tình dục (tên tiếng anh: sexually transmitted diseases, STD) được sử dụng để chỉ các bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. STD cũng được gọi là bệnh hoa liễu (venereal disease, VD), vì thế không có nghĩa quan hệ tình dục là con đường duy nhất lây truyền STDs, một số bệnh có thể được truyền qua việc dùng chung kim tiêm hoặc cho con bú.
Có hơn 20 bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nhau và nhiều trong số chúng có thể gây ra tình trạng đái buốt ra máu ở nam giới.
Bạn có thể mắc STD mà không có triệu chứng nhưng nhiều bệnh thì gây ra các triệu chưng rất rõ ràng. Ở nam giới, các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau buốt khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.
- Sưng tấy, loét hoặc phát ban trên/xung quanh dương vật, tinh hoàn, hậu môn, mông, đùi hoặc miêng
- Tiết dịch bất thường hoặc chảy máu từ dương vật
- Sưng đau tinh hoàn
☛ Mức độ nguy hiểm: STD có ảnh hưởng sâu sức đến sức khỏe sinh sản và tình dục trên toàn thế giới. Nếu không được điều trị, một số bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như vô sinh.

Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra trong các mô của bàng quang. Nó chủ yếu gặp ở những người lớn tuổi, 90% những người bị ung thư bàng quang trên 55 tuổi và tuổi trung bình của những người được chẩn đoán mắc bệnh là 73.
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang là tiểu ra máu nhưng thường không kèm theo tiểu đau, tiểu buốt. Tuy nhiên, một số nam giới vẫn có thể bị đái buốt ra máu nếu bị ung thư bàng quang. Ngoài triệu chứng này, bệnh nhân còn có thể gặp một số triệu chứng khác như: đi tiểu nhiều, đi tiểu gấp, tiểu không tự chủ, đau ở vùng bụng dưới, lưng dưới, sút cân, đau xương (đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh đã tiến triển nặng hơn).
Hầu hết ung thư bàng quang xuất hiện là do tiếp xúc với các chất độc hại trong nhiều năm, dẫn đến những thay đổi bất thường trong các tế bào của bàng quang. Khói thuốc lá cũng là một nguyên nhân phổ biến và ước tính rằng hơn 1/3 trường hợp ung thư bàng quang là do hút thuốc.
☛ Mức độ nguy hiểm: Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây chết người nếu không điều trị. Trong trường hợp ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, thường có thể loại bỏ các tế bào ung thư mà vẫn giữ nguyên được phần còn lại của bàng quang. Tỷ lệ sống sót chung sau 5 năm của những người bị ung thư bàng quang là 77%, sau 10 năm là 70% và sau 15 năm là 65%. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại ung thư, giai đoạn ung thư được chẩn đoán, tình hình sức khỏe chung cua rbệnh nhân,…

Sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng trong hóa trị ung thư có thể gây kích ứng và làm viêm các mô bàng quang, dẫn đến tiểu buốt ra máu cùng nhiều triệu chứng kèm theo khác, tùy thuộc vào từng loại thuốc mà bạn sử dụng.
Nếu bạn bắt đầu sử dụng các loại thuốc này và bị đái buốt ra máu, bạn nên gọi cho bác sĩ và hỏi xem triệu chứng đó có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không, nên làm gì, chứ không được tự ý ngưng thuốc mà không hỏi bác sĩ trước.
Chuẩn bị trước khi đi khám
Nếu nam giới bị đái buốt ra máu thì nên đi khám bác sĩ trong vòng 1-2 ngày sau khi gặp hiện tượng này. Với những người đi tiểu ra một lượng máu lớn, không thể đi tiểu hoặc bị đau buốt dữ dội thì nên đi khám ngay.
Để đi khám, dưới đây là một số thông tin có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho cuộc hẹn của mình:
- Lên danh sách các triệu chứng, bao gồm cả các triệu chứng có vẻ không liên quan như ốm, sốt, đau đầu,…
- Các thông tin y tế chính, bao gồm các tình trạng khác mà bạn đang điều trị
- Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc các chất bổ sung khác mà bạn đang dùng
- Chuẩn bị trước một số câu hỏi mà bạn định hỏi bác sĩ, chẳng hạn: Nguyên nhân có thể gây ra triệu chứng của tôi là gì? Tình trạng này có là vĩnh viễn không hay tạm thời? Có những phương pháp điều trị nào?…
Cách chẩn đoán đái buốt ra máu ở nam giới
Để điều trị bệnh hiệu quả thì trước khi điều trị, bác sĩ cần xác định được nguyên nhân của bạn, bằng cách:
- Hỏi thăm tiền sử bệnh của bạn (về các triệu chứng, mức độ, thời gian các triệu chứng xảy ra, các tình trạng y tế mà bạn đang có, bạn có đang sử dụng loại thuốc nào không,…)
- Tiến hành làm xét nghiệm mẫu nước tiểu (để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh thận hoặc các vấn đề khác).
Sau đó bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm nước tiểu để quyết định xem bạn có cần làm thêm các xét nghiệm khác hay không hoặc có thể bắt đầu việc điều trị.
Điều trị đái buốt ra máu như thế nào?
Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây nên tình trạng đái buối ra máu thì các bác sĩ sẽ đưa ra những cách điều trị phù hợp. Một cố cách điều trị bạn có thể tham khảo như:
Phương pháp điều trị theo Tây y
Phương pháp Tây y là một phương pháp được khá nhiều người lựa chọn để điều trị đái buối ra máu bởi tính hiệu quả và nhanh chóng. Căn cứ vào tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật
Sử dụng thuốc:
Do viêm: như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, bệnh lây qua đường tình dục các bác sĩ có thể dùng các loại thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Thuốc kháng sinh thế hệ mới nhóm cephalosporin và một số loại thuốc giảm đau như paracetamol.
Do soi: như bị sỏi thận thì bác sĩ sẽ sử sụng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh nhóm quinolon hay nhóm cephalosporin, thuốc cầm máu tranexamic acid. Đây là trong trường hợp sỏi còn nhỏ, nếu sỏi lớn cần tiến hành phẫu thuật.
Can thiệp ngoại khoa:
Việc sử dụng ngoại khoa này thường áp dụng trong trường hợp bệnh nặng hay sử dụng phương pháp nội khoa không còn phù hợp như sỏi thận có kích thước lớn, bị ung thư bàng quang.
Trường hợp cần phẫu thuật chỉ được các bác sĩ chỉ định trong trường hơp sử dụng thuốc không đáp ứng được hoặc không điều trị được tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Hiện nay có 2 phương pháp được sử dụng nhiều đó là mổ nội soi và mổ mở. Tùy theo điều kiện sức khỏe của bệnh nhân cũng như tính chất, nguyên nhân gây đái buốt ra máu mà sẽ lựa chọn cách phù hợp.
Phương pháp điều trị theo Đông y
Khác với Tây y, Đông y quan có quan niệm tình trạng đái buốt ra máu nguyên nhân là do thận hư, bàng quang thấp nhiệt, viêm nhiễm đường tiểu hoặc do sỏi. Do đó các bài thuốc Đông y sẽ tập trung điều trị giúp cải thiện chức năng thận và bàng quang.
Một số bài thuốc có thể kể đến như:
Bài thuốc số 1:
- Nguyên liệu: Cam thảo, mộc hương, sinh địa mỗi thứ 12g, sinh địa, lá tre, kim ngân và nhọ nồi mỗi vị 16g, tam thất 4g.
- Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu với 500ml nước, đun đến khi còn 150ml là được. Lọc bỏ bã, chắt lấy phần nước thuốc và uống hết trong ngày.
Bài thuốc số 2:
- Nguyên liệu: Kỷ tử, trắc bá diệp, mạch môn, rễ cỏ tranh, thạch hộc, sa sâm mỗi vị 12g, cỏ nhọ nồi 12g, a giao 8g.
- Cách thực hiện: Bạn cho tất cả nguyên liệu cùng với 600ml nước. Đun đến khi nước cạn còn 200ml thì chắt ra bát. Bạn chia nước thành 3 phần bằng nhau và uống trước các bữa ăn.
Phương pháp điều trị bằng mẹo dân gian
Ngoài 2 cách Tây y và Đông y thì các bạn có thể điều trị đái buốt ra máu bằng một số mẹo dân gian khá đơn giản như sau:
Sử dụng bí xanh
Bạn chuẩn bị một trái bí xanh đã gọt vỏ và đem rửa sạch. Giã nhuyễn bí rồi chắt lấy nước, thêm vào một ít muối.
Mỗi ngày, bạn uống một ly nước bí, uống liên tục trong 10 ngày để cải thiện tình trạng đái buốt ra máu.
Sử dụng củ sắn dây
Gọt và rửa sạch củ sắn dây, thái thành từng miếng nhỏ, đem phơi cho đến khi khô giòn. Nghiền nhỏ miếng sắn dây, rây lại để được bột mịn hơn.
Mỗi lần, bạn lấy 10g bột sắn dây pha với nước. Uống liên tục trong 10 ngày để cải thiện tình trạng đái buốt ra máu.
Người bệnh không nên quá lạm dụng các bài thuốc dân gian. Trong trường hợp đã áp dụng những cách trên trong 3 – 5 ngày mà tình trạng bệnh không có sự cải thiện thì bạn nên dừng sử dụng ngay lập tức.
☛ Xem thêm: Phương pháp hiệu quả điều trị đái buốt

Kết luận
Đái buốt ra máu ở nam giới nhìn chung là một triệu chứng cần được quan tâm và đi khám. Bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh khác nhau. Trước khi đi khám, bệnh nhân nên lập một danh sách các vấn đề liên quan đến tình trạng của mình và những câu hỏi muốn đặt cho bác sĩ. Sau khi thăm khám, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.