Tôi là nam, 45 tuổi, 2 ngày qua tôi có hiện tượng đi tiểu đau buốt kèm theo ngứa. Đây là triệu chứng bệnh gì thưa bác sĩ? Tôi phải làm sao để hết?
(Trần Văn Tuyến – Thanh Hóa)
Trả lời
Chào bác Tuyến,
Đi tiểu buốt là cảm giác đau, khó chịu, nóng rát khi đi tiểu. Cảm giác này có thể xuất hiện khi nước tiểu thoát ra ngoài cơ thể hoặc có thể được cảm nhận bên trong, thuộc các vị trí như bàng quang, tuyến tiền liệt hay phía sau xương mu.
Còn cảm giác ngứa là do các tế bào da hoặc các tế bào thần kinh liên quan đến da bị kích ứng. Nó thường xuất hiện ở đầu dương vật hoặc trong niệu đạo (là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể).
Cảm giác tiểu buốt và ngứa ở nam giới có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhưng vì bác không nói rõ chế độ sinh hoạt của bản thân cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại, vì thế dưới dây tôi nêu một số nguyên nhân thường gặp có thể gây ra hiện tượng này.
Mục lục
Tiểu buốt và ngứa ở nam giới là bệnh gì?
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến. Nguyên nhân thường là do các vi khuẩn sống vô hại trong ruột hoặc trên da xâm nhập vào bàng quang qua ống dẫn nước tiểu (niệu đạo). Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh là: quan hệ tình dục, lau mông từ sau ra trước sau khi đi vệ sinh, đặt ống thông tiểu, bị bệnh tiểu đường,...
Các triệu chứng chính của viêm bàng quang bao gồm:
- Đi tiểu buốt, rát, kèm theo ngứa hoặc châm chích
- Đi tiểu nhiều lần và khẩn cấp hơn bình thường
- Nước tiểu sẫm màu, đục hoặc có mùi nặng
- Đau bụng dưới
- Cảm thấy mệt mỏi, ốm
- .v.v.
Viêm bàng quang nhẹ thường sẽ tự khỏi trong vài ngày. Nhưng trong một số trường hợp, bệnh nhân thường xuyên trải qua các đợt viêm bàng quang tái đi tái lại, những người này có thể cần điều trị thường xuyên hoặc lâu dài.
Viêm bàng quang có thể dẫn tới một biến chứng nghiêm trọng là viêm bể thận. Viêm bể thận cấp tính là tình trạng thận nhiễm trùng đột ngột và nguy hiểm, nó làm thận sưng lên và có thể khiến thận hỏng vĩnh viễn đồng thời đe dọa tính mạng của người mắc.
Nếu bác có các triệu chứng viêm bàng quang nhẹ dưới 3 ngày hoặc bác đã bị viêm bàng quang trước đó thì bác có thể không cần đi gặp bác sĩ mà có thể tự điều trị tại nhà. Một số phương pháp tự chăm sóc như sau:
- Uống paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn theo hướng dẫn của dược sĩ bán thuốc hoặc tờ hướng dẫn sử dụng;
- Uống nhiều nước
- Tránh quan hệ tình dục
- Không nhịn tiểu
- Rửa sạch bộ phận sinh dục bằng các dung dịch dịu nhẹ dành cho da nhạy cảm
- Tránh uống rượu
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 4 ngày, bác nên đi khám. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh 3 ngày hoặc 7 -10 ngày cho bác, tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Các triệu chứng thường sẽ thuyên giảm sau khi dùng thuốc 1 ngày. Nếu chúng không cải thiện, bác phải quay lại gặp bác sĩ.
Viêm niệu đạo
Niệu đạo là một ống chạy từ bàng quang qua dương vật, có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Ở nam giới, tinh dịch cũng đi qua niệu đạo.
Viêm niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị kích thích, sưng tấy, từ đó gây tăng cảm giác buồn tiểu (tiểu nhiều lần) và đau buốt khi đi tiểu. Kèm theo đó là triệu chứng ngứa hoặc ngứa ran ở gần lỗ của dương vật; dương vật chảy mủ; đau khi quan hệ tình dục,...
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm niệu đạo là do vi khuẩn, đây có thể là vi khuẩn lây nhiễm từ bàng quang và thận sang hoặc vi khuẩn được tìm thấy tự nhiên trong vùng sinh dục. Các vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây viêm niệu đạo, như: vi khuẩn gây bệnh lậu hay chlamydia.
Ngoài vi khuẩn, các loại vius cũng có thể là nguyên nhân của viêm niệu đạo. Chúng bao gồm virus u nhú ở người (HPV), virus herpes simplex (HSV) và virus cytomegalovirus (CMV).
Viêm niệu đạo không giống như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Viêm niệu đạo xảy ra do niệu đạo bị lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus, còn UTIs là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Chúng có thể có các triệu chứng tương tự nhau nhưng phương pháp điều trị lại khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản.
Để hết tiểu buốt và ngứa do viêm niệu đạo, bác sĩ thường kê một đợt kháng sinh hoặc thuốc kháng virus. Một số loại thuốc thường được sử dụng là: azithromycin, doxycycline, erythromycin, ofloxacin, levofloxacin,...
Bác có thể thấy các triệu chứng tiểu buốt và ngứa được cải thiện chỉ sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, bác vẫn cần uống hết đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nếu không virus có thể kháng thuốc và khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn. Bác có thể được yêu cầu tái khám để kiểm tra xem liệu việc điều trị có thành công hay không, ngay cả khi bác đã không còn bất kì triệu chứng nào. Sau khi điều trị xong và được tái khám, bác có thể yên tâm quay lại cuộc sống tình dục.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) là bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc quan hệ tình dục. Bạn có thể bị lây bệnh khi quan hệ bằng miệng, qua hậu môn, qua âm đạo, chạm vào bộ phận sinh dục.
Có hơn 20 loại bệnh lây truyền qua đường tình dục, như: mụn rộp sinh dục, HPV, bệnh giang mai, bệnh lậu, chlamydia, trichomonas,... Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất gây tiểu buốt và ngứa ở nam giới do bệnh lây truyền qua đường tình dục là bệnh lậu và chlamydia.
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh lậu thường xuất hiện trong vòng 10 ngày sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên, một số người có thể bị nhiễm bệnh trong nhiều tháng trước khi các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lậu ở nam giới gồm:
- Dịch đặc, đục hoặc có máu từ dương vật
- Đau buốt hoặc rát khi đi tiểu
- Đau, sưng tinh hoàn
- Đi tiêu đau
- Ngứa hậu môn
- .v.v.
Chlamydia là một bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh thường khó phát hiện, bởi viêm nhiễm giai đoạn đầu thường gây ra ít hoặc không gây ra triệu chứng. Khi chúng xảy ra, các triệu chứng thường bắt đầu từ 1 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với chlamydia, các triệu chứng mới đầu thường nhẹ và thoáng qua.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ở nam giới là:
- Đi tiểu đau buốt
- Cảm giác ngứa bên trong dương vật
- Đau bụng dưới
- Tiết dịch từ dương vật
- Đau tinh hoàn
- .v.v.
Bệnh lậu và Chlamydia đều được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu các xét nghiệm cho thấy bác bị nhiễm bệnh, cả bác và đối tác đều cần phải điều trị dù có triệu chứng hay không. Nếu không điều trị chlamydia và bệnh lậu có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho cơ quan sinh sản và dẫn tới vô sinh. Trong quá trình điều trị, điều quan trọng là phải uống tất cả các loại thuốc được kê đơn để chữa bệnh và thuốc này không được dùng chung với bất kỳ ai. Thuốc sẽ ngăn chặn nhiễm trùng, nhưng nó không thể sửa chữa bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào do bệnh gây ra.
Một số chủng vi khuẩn lậu đã kháng lại một số loại thuốc kháng sinh, vì vậy có thể phải dùng nhiều loại thuốc để trị bệnh. Bác cần kiểm tra lại sau ba tháng điều trị để đảm bảo rằng tình trạng viêm nhiễm đã hết. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài hơn vài ngày sau khi được điều trị, bác nên quay lại gặp để được đánh giá lại bệnh.
Viêm bao quy đầu
Viêm bao quy đầu là tình trạng đau nhức và tấy đỏ ở đầu dương vật. Nguyên nhân có thể là do kích ứng với một số chất hóa học tắm rửa, nhiễm trùng do vệ sinh cá nhân kém, hẹp bao quy đầu, chấn thương,...
Khi bị viêm bao quy đầu, bác có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đi tiểu buốt và ngứa ở đầu dương vật
- Dương vật đỏ, sưng tấy
- Tiết dịch ở đầu dương vật
- Có mùi khó chịu
- Chảy máu quanh bao quy đầu
- .v.v.
Nếu bệnh không được điều trị, nó có thể tiến triển tồi tệ hơn và gây ra những ảnh hưởng liên quan đế đời sống tình dục cũng như sinh hoạt hằng ngày.
Để điều trị viêm bao quy đầu, cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Thông thường gồm: thuốc men, giữ vệ sinh dương vật sạch sẽ, bôi kem chống nấm, kem chứa steroid, ngâm dương vật trong bồn tắm nước ấm, cắt bao quy đầu,...
Nên làm gì nếu đi tiểu buốt và ngứa?
Như bác đã đọc ở phần trên, tiểu buốt và ngứa ở nam giới do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các bệnh này tuy không ảnh hưởng ngay tới tính mạng nhưng nếu để lâu không điều trị có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hay thậm chí là đe dọa tính mạng, gây vô sinh,...
Chính vì thế, nếu gặp hiện tượng này đã vài ngày mà không đỡ, bác nên đi khám tại các bệnh viện, phòng khám có chuyên khoa Tiết niệu. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó tìm ra nguyên nhân và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Trên đây là giải đáp của tôi cho câu hỏi "tiểu buốt và ngứa là bệnh gì" của bác Tuyến. Mọi vấn đề còn thắc mắc, bác và bạn đọc có thể gọi tới số 1800.1258 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn thêm.