Đi vệ sinh ra máu là tình trạng có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới, không phân biệt tuổi tác. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không, nên làm gì nếu gặp phải? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Mục lục
Tổng quan
Trong điều kiện bình thường, hầu hết chúng ta đều đi tiểu từ 6-8 lần/ngày. Màu sắc của nước tiểu bình thường dao động từ màu vàng nhạt đến màu hổ phách đậm, màu sắc này là kết quả của một sắc tố gọi là urochrome và độ loãng – đặc của nước tiểu. Chính vì thế, nếu có điều gì bất thường xảy ra với nước tiểu của bạn, bạn sẽ nhận ra ngay lập tức. Chẳng hạn như: đi vệ sinh ra máu.
Đi vệ sinh ra máu còn được gọi dưới thuật ngữ y tế là tiểu ra máu hay đái máu (haematuria). Nó được định nghĩa là khi có máu (hồng cầu) xuất hiện trong nước tiểu. Lượng hồng cầu này có thể rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc rất nhiều, nhìn thấy được bằng mắt thường.
Khi tiểu ra máu, nước tiểu có thể từ không có màu sắc gì bất thường tới màu hồng nhạt, đến một màu đỏ rất tối, như màu cola.
Phân loại đi tiểu ra máu
Như đã nói ở trên, khi tiểu ra máu, bạn có thể nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được máu trong nước tiểu. Chính vì vậy, người ta chia đi vệ sinh ra máu thành 2 loại chính:
- Đái máu đại thể (Visible (macroscopic) haematuria – VH) là đái máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường;
- Đái máu vi thể (Non-visible (microscopic) haematuria – NVH) là đái máu không thể nhìn thấy bằng mắt thường, . Nó lại được chia thành 2 loại nhỏ như sau:
- Đái máu vi thể có triệu chứng (s-NVH)
- Đái máu vi thể không triệu chứng (a-NVH)
Tiểu máu đại thể có thể làm cho nước tiểu của bạn có màu hồng nhạt, đỏ hoặc nâu và bạn dễ dàng nhận ra điều này bằng mắt thường.
Tiểu máu vi thể chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi hoặc trên phân tích nước tiểu. Nó lại được chia thành hai loại là tiểu máu vi thể có triệu chứng và tiểu máu vi thể không triệu chứng. Tiểu máu vi thể có triệu chứng thường (s-NVH) sẽ đi kèm theo với một số triệu chứng liên quan như đau bụng, đau quặn thận, tiểu gấp, tiểu khó, tăng tần suất tiểu,… Tiểu máu vi thể không triệu chứng (a-NVH) tức là bệnh nhân không có các triệu chứng liên quan trên, thường được phát hiện tình cờ trong quá trình kiểm tra, khám chữa bệnh.

Đi vệ sinh ra máu có nguy hiểm không?
Đi vệ sinh ra máu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể là lành tính hoặc ác tính. Theo một thống kê về nguyên nhân tiểu ra máu, từ 20-25% bệnh nhân tiểu ra máu đại thể và 5-10% bệnh nhân tiểu ra máu vi thể sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh ác tính tiết niệu.
Đái máu đại thể cần được quan tâm nhiều hơn đái máu vi thể. Các trường hợp đái ra máu đại thể (kể cả chỉ gặp một đợt đái ra máu) đều cần phải thăm khám kỹ lưỡng, vì tỷ lệ ung thư đường tiết niệu xảy ra đáng kể ở những người đái máu đại thể. Tỷ lệ ung thư đường tiết niệu ở những người này dao động từ 3 đến 6% nhưng cũng đã được báo cáo là cao tới 19% trong một số nghiên cứu.
Với tiểu máu vi thể, bạn không cần phải thường xuyên đi kiểm tra để tìm hiểu xem mình có bị đi tiểu ra máu hay không. Nếu gặp các triệu chứng đường tiết niệu, bạn mới cần đi khám hoặc nếu bạn thuộc vào nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thì cần liên hệ với bác sĩ để xin ý kiến về việc tầm soát sớm.
☛ Chi tiết: Tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Phần dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một số nguyên nhân thường gặp gây tiểu ra máu.

Nguyên nhân
Ở nam giới
– Phì đại tuyến tiền liệt. Là một bệnh lành tính thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, nó không phải là ung thư và không phát triển thành ung thư. Đây là hiện tượng tuyến tiền liệt có sự tăng trưởng về kích thước. Ở một số nam giới, nó không gây ra triệu chứng gì đáng lo ngại; nhưng ở một số người, nó có thể gây ra những triệu chứng tiết niệu làm ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người mắc, như: tiểu ra máu, tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu khó, tiểu ngắt quãng,…
Tìm hiểu thêm: Bệnh phì tuyến tiền liệt là gì?
– Ung thư tuyến tiền liệt. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới (sau ung thư da). Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm khi bệnh chưa di căn thì cơ hội điều trị thành công là rất lớn. Ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu khi các tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển ngoài tầm kiểm soát. Hầu hết ung thư tuyến tiền liệt đều là ung thư biểu mô tuyến, tức là bệnh ung thư này phát triển từ các tế bào tuyến (tế bào tạo ra dịch tuyến tiền liệt).
– Viêm tuyến tiền liệt. Là một bệnh nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng của tuyến tiền liệt, bệnh biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau, như: viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn, viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn, viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn, viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng. Viêm tuyến tiền liệt là vấn đề về đường tiết niệu phổ biến nhất ở nam giới dưới 50 tuổi và là vấn đề về đường tiết niệu phổ biến thứ ba ở nam giới trên 50 tuổi.

Ở nữ giới
– Hành kinh. Hành kinh ở nữ giới là một nguyên nhân khiến nước tiểu có máu, nhưng thực tế đây là một vấn đề vô hại và bình thường. Trừ phi quá các ngày hành kinh mà phụ nữ vẫn thấy có máu xuất hiện thì đây là một vấn đề đáng lo ngại.
– Lạc nội mạc tử cung. Nếu nữ giới bị đi vệ sinh ra máu kèm theo cơn đau thắt lưng dữ dội thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, một tình trạng sức khỏe phổ biến. Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng lớp niêm mạc tử cung phát triển ở các khu vực bên ngoài tử cung, như buồng trứng, ống dẫn trứng,… Nếu không điều trị, lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Cả hai giới
– Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Đây là một bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến bất kì bộ phận nào của hệ tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể). Quan hệ tình dục là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này. UTIs thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
Các triệu chứng của UTIs thường là đau vùng chậu, tăng cảm giác muốn đi tiểu, đau khi đi tiểu, đi vệ sinh ra máu, nước tiểu có mùi nồng, sốt, buồn nôn,…
– Viêm cầu thận. Là một bệnh nhiễm trùng xảy ra khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn sẽ đi từ niệu đạo tới bàng quang và di chuyển đến một hoặc cả hai thận của bạn, gây kích ứng niêm mạc thận và khiến chúng chảy máu, dẫn đến tình trạng đi vệ sinh ra máu. Các triệu chứng của viêm cầu thận cũng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Sỏi thận, bàng quang. Sỏi hình thành từ các chất hóa học trong nước tiểu. Khi nước tiểu có quá nhiều chất thải và quá ít chất lỏng, các tinh thể bắt đầu hình thành, chúng hút các nguyên tố khác và dần liên kết với nhau để tạo thành một chất rắn lớn hơn, chính là sỏi. Nếu sỏi nhỏ, nó thường không gây ra triệu chứng gì và có thể dào thải ra ngoài qua đường tiểu. Nhưng nếu sỏi lớn hơn, nó có thể gây tắc nghẽn và làm tổn thương hệ tiết niệu, gây đau đớn dữ dội, tiểu ra máu, buồn nôn/nôn, nước tiểu có mùi hôi hoặc màu đục, sốt, ớn lạnh,…
– Rối loạn di truyền. Một số rối loạn di truyền cũng là nguyên nhân khiến bạn đi vệ sinh ra máu, chẳng hạn như: bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm hay hội chứng Alport.
– Một số loại thuốc. Theo NIDDK, một số loại thuốc có thể khiến chúng ta dễ bị đi vệ sinh ra máu, như: thuốc làm loãng máu, thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh.
– Một số bệnh ung thư. Ung thư thận, bàng quang là những loại ung thư có thể khiến bạn đi vệ sinh ra máu, kèm theo nhiều triệu chứng khác như: tiểu đau, mệt mỏi, đau ở lưng, bên hông hoặc xương chậu, tiểu khó, tiểu đêm, tiểu nhiều lần,… Tiểu máu do ung thư thường bắt đầu từ chính các khối u, chúng chèn ép vào hệ tiết niệu; hoặc là kết quả của kích ứng hoặc viêm.
– Tập thể dục gắng sức. Cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến cả hai giới đi vệ sinh ra máu. Nó thường liên quan đến việc bạn tập thể dục cường độ cao. Tuy nhiên đây là một nguyên nhân không đáng lo ngại và máu sẽ biến mất sau khoảng 3 ngày.
– Thực phẩm. Một số loại thực phẩm sẽ khiến nước tiểu của bạn có màu đỏ, như củ cải đường, đậu fava, cây đại hoàng. Đây cũng là một nguyên nhân vô hại và không đáng lo ngại.
☛ Xem thêm: Tiểu ra máu là bị bệnh gì?

Các yếu tố nguy cơ
Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng đi vệ sinh ra máu của bạn. Bao gồm:
- Tuổi> 40;
- Hút thuốc;
- Tiền sử viêm bàng quang mãn tính hoặc các triệu chứng khó chịu ở đường tiết niệu dưới;
- Từng chiếu xạ vùng chậu
- Tiếp xúc với hóa chất nghề nghiệp và thuốc nhuộm (ví dụ: sử dụng phenacetin, điều trị bằng cyclophosphamide liều cao, axit aristolochic).
Nên làm gì?
Như đã nói ở trên, nếu bị đi vệ sinh ra máu, bạn không được chủ quan và cần thu xếp để đi khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc xem gần đây có ăn một số loại thực phẩm có thể khiến nước tiểu có màu đỏ không hoặc có tập thể dục cường độ cao không, vì những điều này có thể khiến tiểu ra máu và gây báo động không cần thiết.
Ngoài ra, hãy đi khám nếu bạn không thấy máu trong nước tiểu nhưng gặp các rối loạn tiết niệu như: đi tiểu thường xuyên, tiểu đau, tiểu khó, tiểu yếu, tiểu ngắt quãng,… Đây đều có thể là dấu hiệu của tiểu máu vi thể.
Trong một số trường hợp, nếu bạn đi tiểu ra máu kèm với các triệu chứng sau, cần lập tức cấp cứu:
- Buồn nôn
- nôn mửa
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau ở bên hông, lưng hoặc bụng
☛ Đọc thêm: Tiểu ra máu khám ở khoa nào?

Điều trị đi vệ sinh ra máu?
Điều trị đi vệ sinh ra máu cần phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Các phương pháp điều trị thường áp dụng là:
- Thay đổi lối sống
- Thuốc men
- Phẫu thuật
Chẳng hạn như:
Nếu bạn bị phì đại tiền liệt tuyến, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc như: thuốc chẹn alpha, chất ức chế 5 alpha reductase, thuốc kháng cholinergic, thuốc lợi tiểu, desmopressins,… hoặc đề nghị phẫu thuật nếu bệnh đã tiến triển và các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.
Nếu bị bệnh nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Nếu đi vệ sinh ra máu do sỏi, bác sĩ có thể kê thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn alpha để tăng tốc độ di chuyển của sỏi thận, thuốc giảm đau,… Nếu sỏi lớn, bạn có thể cần làm thủ thuật để tán sỏi hoặc lấy sỏi ra ngoài.
☛ Xem thêm: Tiểu ra máu uống thuốc gì?
Phòng tránh
Chúng ta không thể ngăn ngừa hoàn toàn việc đi vệ sinh ra máu, nhưng ta vẫn có thể hạn chế phần nào các nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
- Để ngăn ngừa nhiễm trùng, hãy uống nhiều nước mỗi ngày, đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
- Để ngăn ngừa sỏi, hãy uống nhiều nước, không ăn mặn, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Để ngăn ngừa ung thư, hãy hạn chế hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với hóa chất và uống nhiều nước.
- .v.v.
Song song với đó, cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, khoa học:
- Thường xuyên tập thể dục thể thao
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng giữa các nhóm thực phẩm
- Hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích
- Không hút thuốc lá
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày
- .v.v.
Tổng kết
Đi vệ sinh ra máu là một tình trạng có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, chúng có thể xuất hiện vào bất kì lúc nào trong mỗi giai đoạn cuộc đời. Nguyên nhân gây ra có thể là ác tính hoặc lành tính, nhưng đừng quá lo lắng, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được các triệu chứng và sớm đi khám để kịp thời chữa trị.