Như bất cứ cơ quan nào thuộc hệ thống sinh sản, tuyến tiền liệt ở nam giới cũng có nguy cơ mắc một số căn bệnh. Mỗi bệnh này lại do những nguyên nhân khác nhau gây ra, vì thế các loại thuốc điều trị cũng rất khác nhau. Bài viết dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu về các loại thuốc điều trị tiền liệt tuyến.
Tuyến tiền liệt có thể mắc bệnh gì?
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ thuộc hệ thống sinh sản ở nam giới. Có chức năng chính là:
- Sản xuất dịch cho tuyến tiền liệt, đóng vai trò trong khả năng sinh sản của nam giới
- Tham gia vào phản ứng tình dục của nam giới
- Đóng niệu đạo lên bàng quang trong quá trình xuất tinh, đi tiểu
- Chuyển hóa hormone
☛ Tìm hiểu thêm: Chức năng tuyến tiền liệt là gì?
Vì thế, khi tuyến tiền liệt mắc bệnh, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới, thậm chí là gây vô sinh.
Ba loại bệnh tuyến tiền liệt phổ biến nhất là:
- Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
- Viêm tuyến tiền liệt
- Ung thư tuyến tiền liệt
Ngoài ra, tuyến này cũng có thể xảy ra tình trạng nang tuyến tiền liệt nhưng với tỉ lệ hiếm.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt. Đây là hiện tượng tăng trưởng của tuyến tiền liệt khi nam giới già đi, nó không phải là bệnh ung thư và rất phổ biến. Theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ, nam giới từ 51 đến 60 tuổi có tỉ lệ mắc căn bệnh là này 50% và nam giới trên 80 tuổi tới 90%.
Mặc dù phì đại tuyến tiền liệt không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt hoặc các vấn đề tình dục, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cụ thể là nó gây ra các vấn đề tiểu tiện khó chịu và đôi khi là xấu hổ cho bệnh nhân. Do tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang và bao quanh đường niệu đạo, nên khi nó lớn hơn, nó có thể gây áp lực lên niệu đạo và ống dẫn nước tiểu (đoạn từ bàng quang qua dương vật ra ngoài cơ thể), điều này dẫn đến một loạt các vấn đề về tiểu tiện, như: tiểu khó, tiểu không hết, tiểu đêm, tiểu nhiều lần,… Khi nước tiểu không được tống hết ra ngoài và đọng lại trong bàng quang, nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, từ đó gây đau khi đi tiểu và thậm chí dẫn đến khả năng mất kiểm soát bàng quang, gây buồn tiểu khẩn cấp.

Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc một số nguyên nhân khác chưa được làm rõ. Nam giới ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này.
Có 4 loại viêm tuyến tiền liệt:
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn (hội chứng đau vùng chậu mãn tính, đau tuyến tiền liệt)
- Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng.
– Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn. Đây là loại viêm không phổ biến nhưng lại là một trong những loại dễ chẩn đoán nhất. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn xảy ra đột ngột, do sự nhiễm trùng vi khuẩn. Triệu chứng thường là nhiễm trùng đường tiết niệu nặng kèm theo đi tiểu đau hoặc dòng nước tiểu bị tắc nghẽn, sốt, đau thắt lưng hoặc đau bụng, nôn mửa. Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn cần điều trị nhanh chóng và có thể phải nằm viện một thời gian ngắn. Loại viêm tuyến tiền liệt này có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
– Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn. Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn thường tiến triển từ từ theo thời gian và không nghiêm trọng như viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Thực tế, tình trạng nhiễm khuẩn có thể tồn tại ở nam giới nhiều năm trước khi có bất cứ triệu chứng nào xuất hiện. Thông thường ban đầu, nam giới bị chuẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, nhưng bệnh không khỏi hoàn toàn mà liên tục tái phát. Sau đó, vi khuẩn theo đường tiết niệu xâm nhập vào tuyến tiền liệt và gây ra tình trạng viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn. Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cũng đóng một vai trò trong việc gây ra loại viêm tuyến tiền liệt này.
Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn rất khó chẩn đoán vì có thể khó tìm thấy vi khuẩn báo hiệu loại viêm tuyến tiền liệt này trong nước tiểu.
– Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn. Đây là dạng viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất nhưng nguyên nhân của nó vẫn chưa được biết rõ. Bệnh nhân c các dấu hiệu viêm nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vi khuẩn hoạt động. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn, chẳng hạn như: nó được nghi ngờ là phát sinh từ nhiễm trùng dai dẳng hoặc là do vi khuẩn không điển hình kháng kháng sinh,… Một người bị chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn nếu họ có các triệu chứng ít nhất trong vòng 3 tới 6 tháng.
Các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn thường bao gồm các tình trạng đau: đau tuyến tiền liệt, đau ở vùng sinh dục, đi tiểu đau buốt, đau trong hoặc sau khi xuất tinh.
– Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng. Nam giới bị viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng thường không gặp bất kỳ triệu chứng nào, mặc dù có các bằng chứng cho thấy tình trạng viêm nhiễm. Viêm nhiễm có thể được tìm thấy trong nước tiểu, tinh dịch hoặc từ dịch tuyến tiền liệt khi bác sĩ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Đây là loại viêm tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt.

Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là tình trạng bệnh ung thư xảy ra ở tuyến tiền liệt. Đây là nguyên nhân thứ hai gây ra tử vong ở nam giới. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ mang lại kết quả tốt. Trong phần lớn các trường hợp, ung thư tuyến tiền liệt sẽ được phát hiện khi nó vẫn còn khu trú, thay vì di căn (lan rộng), điều trị vào thời giểm này nói trong kết quả rất thành công, tỉ lệ sống sót trên 5 năm lên tới gần 100%. Đối với nam giới được chẩn đoán mắc bệnh khi đã di căn, tỉ lệ sống sót sau 5 năm là 31%.
Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi bệnh tiến triển, bạn có thể sẽ thấy một số triệu chứng như: thường xuyên phải đi tiểu, chủ yếu vào ban đêm; khó tiểu; dòng nước tiểu yếu hoặc rời rạc; đau hoặc cảm giác nóng khi đi tiểu; xuất tinh đau; có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch; đau ở lưng, hông hoặc ở tứ chi.
U nang tuyến tiền liệt
Là tình trạng trong tuyến tiền liệt xuất hiện các khối chứa đầy chất dịch hoặc chất rắn, dạng như bã đậu. Đây là căn bệnh không phổ biến và thường không có triệu chứng rõ ràng. Cứ 100 bệnh nhân mới có khoảng 5 bệnh nhân có triệu chứng và các triệu chứng này phụ thuộc vào kích thước của u nang.
☛ Tìm hiểu thêm: Bệnh tuyến tiền liệt là gì? Có nguy hiểm không?

Thuốc điều trị tiền liệt tuyến
Phì đại tuyến tiền liệt
Để điều trị phì đại tiền liệt tuyến, các nhóm thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc chẹn alpha
- Chất ức chế 5 alpha reductase
- Thuốc kháng cholinergic
- Thuốc lợi tiểu
- Desmopressins
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ có thể kê một loại thuốc độc lập hoặc thuốc kết hợp.
– Thuốc chẹn alpha. Nhóm thuốc này có khả năng làm giãn cơ trong tuyến tiền liệt và ở đáy bàng quang, từ đó giúp mở rộng đường niệu đạo, giúp bạn đi tiểu dễ dàng hơn. Các loại thuốc chẹn alpha thường được sử dụng là tamsulosin, alfuzosin, doxazosin, silodosin, terazosin,…
Sau khi sử dụng thuốc, bạn có thể thấy sự cải thiện đáng kể diễn ra trong vài ngày và hiệu quả đầy đủ đạt được trong vòng 1 tháng sử dụng thuốc. Nhưng thuốc chẹn alpha thường không làm cho các triệu chứng biến mất hoàn toàn. Nếu một người đàn ông không nhận thấy sự cải thiện trong vòng 8 tuần kể từ khi bắt đầu sử dụng thuốc, loại thuốc đó có thể không phù hợp và cần đổi sang loại khác.
Thuốc chẹn alpha có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng là:
- Chóng mặt (khoảng 4/100 nam giới)
- Uể oải và mệt mỏi (2/100 nam giới)
- Gây ra các vấn đề về xuất tinh, như xuất tinh ngược, giảm lượng tinh dịch xuất ra (1 tới 20/100 nam giới, tùy thuộc vào loại thuốc sử dụng)
- Giảm huyết áp (2/100 nam giới)
- Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi (1/100 nam giới)
- .v.v.
Nhưng những tác dụng phụ này không kéo dài và không phải lúc nào cũng được coi là một vấn đề lớn. Chỉ khoảng 1% nam giới phải ngừng sử dụng thuốc trị tiền liệt tuyến vì các tác dụng phụ.

– Chất ức chế 5 alpha reductase (5-ARI). Nhóm thuốc này được chỉ định ở những bệnh nhân có tuyến tiền liệt lớn, bởi thuốc có khả năng thu nhỏ tuyến tiền liệt và ngăn ngừa tuyến phát triển thêm. Nó hoạt động bằng cách can thiệp vào hormone gây tăng trưởng tuyến tiền liệt – DHT (Dihydrotestosterone).
Việc làm giảm nồng độ DHT dẫn đến giảm thết tích tuyến tiền liệt còn mang lại các lợi ích khác, đó là:
- Làm tăng lưu lượng dòng nước tiểu, cải thiện các triệu chứng tắc nghẽn đường tiết niệu dưới
- Giảm khả năng phì đại tuyến tiền liệt gây ra các biến chứng, chẳng hạn như tổn thương bàng quang
- Giúp giảm nguy cơ phải phẫu thuật.
Nhóm thuốc này gồm hai loại là:
- Finasteride với các biệt dược finast, unibald viên 5mg
- Dutasteride với biệt dược avodart viên 0,5mg.
Thông thường, bạn sẽ phải mất từ 3 đến 6 tháng dùng thuốc để thấy giảm triệu chứng và bạn phải tiếp tục dùng chúng trong thời gian dài để có kết quả. Đôi khi không có sự cải thiện đáng kể nào ngay cả sau 1 năm dùng thuốc.
Theo các bác sĩ, hiệu quả của thuốc ức chế 5 alpha reductase kém hơn nhóm thuốc chẹn alpha, nó chỉ hiệu quả với những bệnh nhân có tuyến tiền liệt lớn. Hội Tiết niệu học Hoa Kỳ khuyến cáo, có thể dùng phối hợp cả hai loại, thuốc chẹn alpha 1 với thuốc ức chế 5 alpha reductase. Việc sử dụng phối hợp hai thuốc tùy theo tình trạng bệnh, nhu cầu của bệnh nhân cũng khả năng tài chính và chi trả của bảo hiểm y tế.
Thuốc ức chế 5 alpha reductase cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, như:
- Vấn đề cương cứng, xuất tinh, giảm ham muốn tình dục (2-3/100 nam giới)
- Phì đại tuyến vú (1/100 nam giới)
- Làm thay đổi mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu
- .v.v.

– Chất ức chế phosphodiesterase-5 (PDE-5). Thuốc này thường được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương. Nhưng FDA cũng phê chuẩn nó để điều trị phì đại tiền liệt tuyến trong một số trường hợp. Thuốc này có khả năng làm trơn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt, từ đó giúp giảm bớt các triệu chứng u xơ. Thuốc không được sử dụng thường xuyên như các loại thuốc khác, nhưng nếu bạn bị cả rối loạn cương dương và phì đại tuyến tiền liệt, thì đây có thể là một lựa chọn.
Có một số thuốc thuộc chất ức chế phosphodiesterase-5, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chỉ chấp thuận Tadalafil (Cialis) để điều trị phì đại tiề liệt tuyến.
Khi bạn dùng Cialis, bạn có thể bị:
- Đau lưng và cơ
- Nhức đầu
- Đỏ và nóng hoặc rát trên mặt, cổ và phần trên cơ thể
- Nghẹt mũi
- Rối loạn dạ dày sau khi ăn
- Tầm nhìn có vấn đề

– Thuốc kháng cholinergic. Thuốc được chỉ cho những người có vấn đề về kiểm soát bàng quang, với các triệu chứng như: cơn tiểu đột ngột, dữ dội; rò rỉ nước tiểu; tiểu không tự chủ; tiểu đêm. Trước kia, thuốc kháng cholinergic được chống chỉ định ở bệnh nhân có triệu chứng đường tiết niệu dưới liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt, vì lo ngại có thể gây ra bí tiểu cấp tính. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, người ta nhận thấy điều trị kết hợp giữa thuốc chẹn alpha và thuốc kháng cholinergic ở những bệnh nhân tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có các triệu chứng bàng quang hoạt động quá mức, có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn tín hiệu của một chất truyền tin hóa học – acetylcholine. Chất này gửi tín hiệu đến não của bạn để kích hoạt các cơn co thắt bàng quang bất thường, liên quan đến bàng quang hoạt động quá mức. Những cơn co thắt bàng quang này có thể khiến bạn cảm thấy cần phải đi tiểu, ngay cả khi bàng quang không đầy.
Có thể mất vài tuần trước khi các triệu chứng của bạn bắt đầu cải thiện khi dùng loại thuốc này. Có thể mất 12 tuần để nhận thấy kết quả đầy đủ.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc kháng cholinergic là khô miệng và táo bón.

– Thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu có khả năng làm cho thận thải ra nhiều chất lỏng hơn. Khi uống vào ban ngày, chúng sẽ làm giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm, từ đó hạn chế tình trạng tiểu đêm do phì đại tuyến tiền liệt.
Các tác dụng phụ chủ yếu của thuốc lợi tiểu là:
- Hạ kali trong máu
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Khát nước
- Tăng lượng đường trong máu
- Chuột rút
- .v.v.
– Desmopressins. Thông thường, nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo nhạt, đi tiểu trong lúc ngủ, bệnh von Willebrand, nồng độ urê trong máu cao. Tuy nhiên, nó cũng được sử dụng để điều trị tình trạng tiểu đêm trong bệnh tăng sản tuyến tiền liệt. Thuốc này có thể được sử dụng kết hợp với tamsulosin (thuốc chẹn alpha).
Các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc này là:
- Hạ natri máu
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Tiểu chảy
- Tiểu không kiểm soát
- .v.v.
☛ Tìm hiểu thêm: Các loại thuốc điều trị u xơ tiền liệt tuyến

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mãn tính do vi khuẩn
Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Mục tiêu của việc dùng thuốc là loại bỏ nhiễm trùng, giảm tỉ lệ mắc bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây viêm nhiễm mà sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc kháng sinh có thể được sử dụng là:
- Trimethoprim/sulfamethoxazole
- Doxycycline
- Ciprofloxacin
- Norfloxacin
- Ofloxin
- .v.v.
Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, có thể sẽ phải nhập viện để tiêm thuốc. Sau khi tình trạng cải thiện, bệnh nhân sẽ tiếp tục sử dụng kháng sinh đường uống. Đối với viêm tuyến tiền liệt cấp tính, thông thường người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh từ 7-14 ngày. Đối với viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn, thuốc kháng sinh được dùng trong thời gian dài hơn, thường là 6-12 tuần.
Bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc ngay cả khi đã cảm thấy bệnh tốt hơn.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc kháng sinh là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Bao gồm một số vấn đề như:
- Buồn nôn/nôn
- Tiêu chảy
- Đầy bụng và khó tiêu
- Đau bụng
- Ăn mất ngon
- .v.v.

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn
Thuốc để điều trị viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do vi khuẩn gồm:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc chẹn alpha
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc khác: thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, chất làm mềm phân để ngăn ngừa táo bón,…
Xem thêm về các loại thuốc này tại bài viết: Điều trị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn
Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng
Loại viêm tuyến tiền liệt này không gây ra triệu chứng và thường chỉ được phát hiện tình cờ khi bạn đang làm các xét nghiệm cho các bệnh lý khác. Nó không cần điều trị.
Ung thư tuyến tiền liệt
Các loại thuốc toàn thân được sử dụng cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Liệu pháp ức chế testosterone và thuốc ức chế trục androgen
- Liệu pháp nhắm mục tiêu
- Hóa trị liệu
- Liệu pháp miễn dịch
- Thuốc phóng xạ
- Thuốc điều chỉnh xương
– Liệu pháp ức chế testosterone và thuốc ức chế trục androgen. Vì sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt được thúc đẩy bởi các hormone sinh dục nam được gọi là androgen, việc giảm mức độ của các hormone này có thể giúp làm chậm sự phát triển của ung thư. Phương pháp điều trị này có thể được gọi là liệu pháp hormone hay liệu pháp loại bỏ androgen (ADT).
Một cách khác để ngăn chặn testosterone thúc đẩy sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt là sử dụng một loại thuốc gọi là chất ức chế trục androgen. Những loại thuốc này có thể ngăn cơ thể tạo ra testosterone hoặc ngừng hoạt động của testosterone. Thuốc ức chế trục androgen bao gồm chất ức chế thụ thể androgen và chất ức chế tổng hợp androgen.
Phương pháp điều trị này sẽ gây ra các tác dụng phụ, nhưng chúng thường sẽ biến mất sau khi điều trị xong, ngoại trừ những nam giới đã cắt bỏ tinh hoàn. Các tác dụng phụ chung bao gồm:
- Rối loạn cương dương
- Mất ham muốn tình dục
- Nóng bừng và đổ mồ hôi
- Phiền muộn
- Rối loạn chức năng nhận thức và mất trí nhớ
- Tăng cân
- Mất khối lượng cơ
- Giảm mật độ xương hoặc loãng xương

– Liệu pháp nhắm mục tiêu. Liệu pháp nhắm mục tiêu là phương pháp điều trị nhắm vào các gen, protein hoặc môi trường mô cụ thể của ung thư, nhằm ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư, hạn chế thiệt hại các tế bào khỏe mạnh.
Liệu pháp nhắm mục tiêu cho ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Olaparib (Lynparza)
- Rucaparib (Rubraca)
– Hóa trị liệu. Hóa trị liệu là việc sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, thường là giữ cho tế bào ung thư không phát triển, phân chia và tạo ra nhiều tế bào hơn.
Có một số loại thuốc tiêu chuẩn được sử dụng trong liệu pháp này, như:
- Docetaxel (Taxotere) kết hợp với prednisone.
- Cabazitaxel (Jevtana)
Các tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào từng cá nhân, loại thuốc hóa trị, liều lượng sử dụng và thời gian điều trị. Nhưng nhìn chung chúng có thể gây ra mệt mỏi, lở loét trong miệng và cổ họng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, táo bón, rối loạn máu, ảnh hưởng hệ thần kinh, thay đổi suy nghĩ và trí nhớ, các vấn đề sinh sản và tình dục, chán ăn, đau và rụng tóc,…
Các tác dụng phụ thường hết sau khi điều trị xong. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể tiếp tục, quay trở lại hoặc phát triển sau đó.

– Liệu pháp miễn dịch. Còn được gọi là liệu pháp sinh học, được sử dụng để tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, từ đó chống lại bệnh ung thư. Các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư gồm:
- Kháng thể đơn dòng và liệu pháp ức chế khối u
- Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu: Interferon và interleukin
Các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Phản ứng da
- Các triệu chứng giống cúm
- Tiêu chảy
- Thay đổi cân nặng

– Thuốc phóng xạ. Radium-223 (Xofigo) là một chất phóng xạ được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn đã di căn vào xương. Radium-223 là một chất phóng xạ bắt chước canxi và nhắm vào các khu vực trong xương, nơi ung thư đang gây ra những thay đổi.
Radium-223 được tiêm tĩnh mạch mỗi tháng một lần trong 6 tháng.
– Thuốc điều chỉnh xương. Sức khỏe của xương là một vấn đề quan trọng ở những người bị ung thư tuyến tiền liệt. Do liệu pháp ức chế testosterone, bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt có thể gặp các vấn đề về xương. Những bệnh nhân được phát hiện có nguy cơ gãy xương cao nên được điều trị để giảm nguy cơ
Các loại thuốc điều chỉnh xương có thể được sử dụng trong trường hợp này bao gồm: denosumab (Prolia), axit zoledronic (Reclast), alendronate (Fosamax), risedronate (Actonel), ibandronate (Boniva) và pamidronate (Aredia).
Thuốc điều chỉnh xương đã không được chứng minh là có thể ngăn chặn sự lây lan của ung thư tuyến tiền liệt đến xương.
Ở những bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt đã di căn vào xương, luôn có một số nguy cơ dẫn đến các vấn đề về xương như gãy xương, đau xương và chèn ép tủy sống. Khi ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến xương và cũng trở nên kháng với liệu pháp nội tiết tố tiêu chuẩn, các loại thuốc điều chỉnh xương có thể được khuyến nghị để giảm nguy cơ mắc các biến chứng này. Một số loại thuốc có thể được sử dụng là: denosumab (Xgeva) hoặc axit zoledronic (Zometa).
Một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng có thể xảy ra nghiêm trọng của thuốc điều chỉnh xương là hoại tử xương hàm. Các triệu chứng của hoại tử xương hàm bao gồm đau, sưng và nhiễm trùng hàm; răng lung lay; xương lộ ra ngoài.
U nang tuyến tiền liệt
U nang tuyến tiền liệt thường không phải điều trị nếu nó không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân. Nếu u lớn, bệnh được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Kết luận
Trên đây là các loại thuốc điều trị tuyến tiền liệt có thể được sử dụng trong các bệnh về tuyến tiền liệt. Bài viết trên chỉ mang tính chất giới thiệu thông tin, việc sử dụng thuốc cần có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ. Bạn tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng.
Để được tư vấn về bệnh tuyến tiền liệt, bạn có thể gọi tới số 1800.1258 (miễn phí cước gọi).
Ngoài ra, Vương Bảo rất tự hào vì được đánh giá là một trong những sản phẩm thảo dược rất tốt cho bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Theo khảo sát tin và dùng năm 2018, có đến 93,5% khách hàng cảm thấy hài lòng khi dung Vương Bảo. Sản phẩm mang đến những tác dụng quan trọng như: Hỗ trợ giảm kích thước phì đại tiền liệt tuyến và cải thiện nhanh các rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, tiểu rắt, tiểu đêm nhiều.