Tình trạng bí tiểu, tiểu khó làm người bệnh rất khó chịu và lo lắng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt giảm chất lượng cuộc sống. Việc điều trị bí tiểu đầu tiên cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp dẫn tới tình trạng này.
Chúng ta đi tiểu như thế nào?
Để hiểu về nguyên nhân bí tiểu, đầu tiên chúng ta phải biết nước tiểu được tạo thành như thế nào và cơ quan nào giúp bài tiết nước tiểu.
Đường tiết niệu chính là hệ thống giúp loại bỏ nước tiểu (được tạo thành từ chất thải và các chất lỏng dư thừa từ máu) ra khỏi cơ thể. Đường tiết niệu gồm: hai quả thân, hai niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Để đi tiểu bình thường, mỗi bộ phận này hoạt động nhịp nhàng với nhau và theo đúng trình tự.
Cụ thể chức năng của mỗi bộ phận như sau:
– Thận. Chúng ta có hai quả thận, chúng nằm ở quả nằm ở hai bên phía sau bụng, ngay dưới khung xương sườn. Mỗi quả thận to khoảng bằng nắm tay. Thận hoạt động không ngừng, chúng giúp lọc máu và tạo ra nước tiểu. Mỗi ngày, thận khoảng 120 đến 150 lít máu để loại bỏ chất thải và cân bằng chất lỏng. Quá trình này tạo ra khoảng 1 đến 2 lít nước tiểu mỗi ngày.
– Niệu quản. Là hai ống cơ mỏng nối thận với bàng quang, có nhiệm vụ dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang.
– Bàng quang. Bàng quang là một cơ quan rỗng, cơ bắp, có hình quả bóng, mở rộng ra khi chứa đầy nước tiểu. Bàng quang nằm trong khung xương chậu, giữa xương hông. Cơ quan này hoạt động giống như một bể chứa, nó giúp lưu giữ nước tiểu cho đến khi bạn sẵn sàng đi tiểu. Nó có thể chứa tới 1,5 đến 2 cốc nước tiểu. Mặc dù bạn không thể kiểm soát chức năng thận nhưng bạn có thể kiểm soát thời điểm làm trống bàng quang (đi tiểu).
– Niệu đạo. Đây là một ống dẫn, giúp dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Nó kết thúc bằng một lỗ mở bên ngoài cơ thể, tại dương vật (nếu bạn là nam) hoặc phía trước âm đạo (nếu bạn là nữ nữ).

Đường tiết niệu bao gồm hai nhóm cơ hoạt động cùng nhau, bao gồm:
- Các cơ vòng bên trong của cổ bàng quang và niệu đạo, giúp đóng niệu đạo cho đến khi não gửi tín hiệu đi tiểu.
- Các cơ vòng bên ngoài bao quanh cơ vòng bên trong, giúp tăng thêm áp lực để giữ cho niệu đạo đóng lại. Bạn có thể siết chặt cơ vòng ngoài và cơ sàn chậu một cách có ý thức để giữ cho nước tiểu không bị rò rỉ ra ngoài.
Để đi tiểu, não sẽ báo hiệu các cơ vòng thư giãn. Sau đó, nó báo hiệu cho thành bàng quang thắt lại, ép nước tiểu ra khỏi bàng quang và đi tới niệu đạo, bài tiết nước tiểu ra ngoài.
Tần suất bạn cần đi tiểu tùy thuộc vào tốc độ thận tạo ra nước tiểu lấp đầy bàng quang và lượng nước tiểu mà bàng quang của bạn có thể chứa thoải mái. Khi bàng quang đầy, các tín hiệu được gửi đến não cho bạn biết hãy sớm tìm nhà vệ sinh.
Đi tiểu là động tác theo ý muốn, đây là động tác kết hợp hài hòa giữa sự co bóp của bàng quang và sự giãn nở thật rộng của các cơ vòng. Để thực hiện được động tác đi tiểu cần đảm bảo đủ các điều kiện như sau:
- Bàng quang co bóp đều đặn
- Cổ bàng quang giãn nở đủ rộng
- Niệu đạo thông suốt, không bị vướng mắc hay gặp vấn đề gì
Nếu thiếu một trong những điều kiện trên sẽ gặp tình trạng bí tiểu, tiểu khó. Bí tiểu (tên tiếng anh: Urinary retention, viết tắt: UR) được định nghĩa là tình trạng một người không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn bằng cách đi tiểu. Chúng được phân loại thành bí tiểu cấp tính và bí tiểu mãn tinh.
☛ Xem thêm: Hiện tượng bí tiểu là gì?
Nguyên nhân bí tiểu
Bàng quang co bóp không đủ mạnh
Bàng quang chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật, do đó các hoạt động của bàng quang là phản xạ tự nhiên. Khi nước tiểu chứa đầy trong bàng quang, bạn sẽ có cảm giác buồn tiểu và khi bạn đi tiểu, bàng quang sẽ co bóp nhiều lần để tống hết nước tiểu ra ngoài. Vì thế, nếu bàng quang co bóp không đủ mạnh, nó không thể làm trống hoàn toàn và vẫn giữ lại một lượng nước tiểu sau khi đi tiểu.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bàng quang không co bóp đủ mạnh là:
- Mất sự liên lạc với hệ thần kinh thực vật
- Thành bàng quang bị chai xơ bẩm sinh
- Mô đàn hồi bị thay thế bằng mô sợi nên khiến cho việc co bóp bị ảnh hưởng

Cơ vòng niệu đạo giãn nở không đủ rộng
Cơ vòng niệu đạo bao gồm cơ vòng trong và cơ vòng ngoài, trong đó cơ vòng trong là cơ vòng nhẵn và chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật, cơ vòng ngoài chịu sự chi phối của não. Như đã nói ở trên, các cơ vòng này có nhiệm vụ giúp lỗ niệu đạo đóng lại để giữ nước tiểu trong bàng quang. Khi bạn đi tiểu, các cơ vòng sẽ nhận được tín hiệu cần phải thư giãn và thả lỏng ra để nước tiểu có thể chảy ra ngoài. Nếu chúng giãn nở không đủ rộng, lỗ niệu đạo cũng sẽ không thể mở rộng ra, làm nước tiểu bị giữ lại, gây ra tình trạng bí tiểu.
Các cơ vòng giãn nở không đủ rộng khi:
- Mất liên lạc với hệ thần kinh thực vật
- Cơ vòng bị chai xơ bẩm sinh và không thể co giãn
- Cơ vòng bị chèn ép hoặc bít kín
- Tổn thương não khiến cơ vòng ngoài không nhận được các tín hiệu đóng – mở chính xác
Niệu đạo chít hẹp, không thông suốt
Bí tiểu có thể xảy ra khi niệu đạo bị chít hẹp (hẹp niệu đạo) khiến dòng nước tiểu không còn được bình thường hoặc do sự gia tăng trương lực cơ trong và xung quanh niệu đạo (do niệu đạo bị chèn ép).
Lý do khiến niệu đạo bị chít hẹp là:
- Do các thủ thuật y tế, như đặt ống nội soi vào niệu đạo
- Sử dụng ống thông
- Chấn thương niệu đạo hoặc xương chậu
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Xạ trị
Lý do khiến niệu đạo bị chèn ép là:
- Táo bón
- U xơ tuyến tiền liệt (ở nam giới)
- Ung thư tuyến tiền liệt hoặc bàng quang
- Sỏi niệu
- Hẹp bao quy đầu (ở nam giới)
- Sa cơ quan vùng chậu (nữ giới)
- Có túi thừa niệu đạo
- Nang niệu quản
- Khối u
- Áp xe tuyến Skene (nữ giới)

Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể gây ra bí tiểu theo 2 cách:
1) Chúng gây viêm và làm phù nề niệu đạo, cản trở đường ra bình thường của nước tiểu, gây bí tiểu. Nhóm này có các tình trạng: viêm tuyến tiền liệt, nhiễm trùng tiết niệu.
2) Làm ảnh hưởng đến dây thần kinh xương cùng. Dây thần kinh xương cùng hay đám rối xương cùng (sacral nerves) là một đám rối thần kinh gồm 31 dây thần kinh khác nhau, trong đó có 2 dây thần kinh điều khiển hoạt động của bàng quang, ruột và các cơ sàn chậu, cơ vòng. Thông qua một loạt các phản xạ và tín hiệu, các dây thần kinh này cùng với bàng quang điều khiển việc đi tiểu của một người. Vì thế, khi chúng bị tổn thương do nhiễm trùng, việc đi tiểu có thể sẽ diễn ra không suôn sẻ nữa, tình trạng bí tiểu xuất hiện. Nhóm này có: nhiễm trùng herpes do herpes sinh dục, varicella-zoster gây bệnh thủy đậu.

Suy giảm chức năng thần kinh
Suy giảm chức năng thần kinh là một nguyên nhân khác gây bí tiểu.
Hiểu đơn giản rằng, quá trình đi tiểu tự nguyện có liên quan đến sự tích hợp và phối hợp chức năng giữa các dây thần kinh và bàng quang. Khi bàng quang đầy, dây thần kinh sẽ cảm nhận áp lực rồi gửi tín hiệu đến não, não phát ra tín hiệu buồn tiểu. Nếu bạn chưa sẵn sàng đi tiểu, các cơ vòng vẫn đóng và bàng quang không co bóp để tránh nước tiểu rò rỉ. Khi bạn đã sẵn sàng đi vệ sinh, não sẽ phát ra tín hiệu để bàng quang co bóp và cơ vòng giãn nở ra, nước tiểu thoát ra ngoài.
Khi dây thần kinh bị suy giảm chức năng, chúng không thể cảm nhận được đầy đủ các áp lực tại bàng quang hoặc không thể gửi tín hiệu chính xác, đầy đủ. Điều này khiến việc đi tiểu trở nên khó khăn hơn và xảy ra tình trạng bí tiểu.
Một số tình trạng có thể gây suy giảm chức năng dây thần kinh là:
- Bệnh thần kinh đái tháo đường
- Bệnh đa xơ cứng
- Áp xe ngoài màng cứng
- Chấn thương dây rối
- Hội chứng Guillain-Barre (viêm đa dây thần kinh)
- .v.v.

Rối loạn chức năng cơ
Thành bàng quang có các sợi cơ trơn được sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau, các sợi cơ trơn này được gọi chung là cơ detrusor. Chức năng chính của nhóm cơ này là giúp bàng quang co bóp khi đi tiểu để tống nước tiểu ra khỏi bàng quang và niệu đạo. Hoặc giãn ra để bàng quang có thể lưu giữ nước tiểu.
Khi cơ detrusor bị rối loạn chức năng, nó sẽ không thể hoạt động hiệu quả, làm bàng quang co bóp không tốt, dẫn đến tình trạng lưu giữ nước tiểu trong bàng quang (bí tiểu).
Một số tình trạng có thể làm rối loạn chức năng cơ detrusor là:
- Bệnh tiểu đường
- Chấn thương tủy sống
- Tai biến mạch máu não
- Chấn thương sọ não
- Bệnh Parkinson
- Hội chứng Fowler (ở nữ giới)
- Làm phẫu thuật gây mê toàn thân
Sử dụng một số loại thuốc
Thuốc cũng có thể gây bí tiểu do tác động của chúng lên các chất dẫn truyền thần kinh và thụ thể thần kinh.
Hiểu đơn giản, các chất dẫn truyền thần kinh là những sứ giả hóa học, có nhiệm vụ truyền thông điệp từ một tế bào thần kinh qua khớp thần kinh đến một tế bào đích. Mục tiêu có thể là một tế bào thần kinh khác, tế bào cơ hoặc tế bào tuyến. Như trong việc đi tiểu, các chất dẫn truyền thần kinh có nhiệm vụ truyền thông điệp từ các dây thần kinh điều khiển việc đi tiểu tới não và ngược lại.
Các thụ thể thần kinh hay các thụ thể cảm giác có nhiệm vụ cảm nhận các kích thích (sự thay đổi của môi trường xung quanh) rồi truyền tín hiệu đến trung tâm điều phối để xử lý thông tin. Chúng có thể xuất hiện ở các cơ quan chuyên biệt như mắt, tai, mũi và miệng, cũng như các cơ quan nội tạng. Mỗi loại thụ thể truyền tải một phương thức cảm giác riêng biệt.
Thuốc có thể tác động lên các chất dẫn truyền và thụ thể này theo nhiều cơ chế khác nhau, chúng có thể ngăn chặn hoặc làm sai lệch đi các tín hiệu được truyền tải. Dẫn tới bí tiểu.
Một số loại thuốc có thể gây bí tiểu là:
- Các thuốc cường giao cảm (như ephedrin sulfat, phenylephrin, pseudoephedrin, isoproterenol, metaproterenol, terbutaline)
- Thuốc chống trầm cảm (như imipramin, nortriptyline, axapripin, axapripin maprotiline)
- Thuốc chống loạn nhịp tim (như quinidine, procainamide, disopyramide)
- Thuốc kháng cholinergic (như atropine, scopolamine, glycopyrrolate)
- Thuốc chống loạn thần (như haloperidol, thiothixene, thioridazine)
- Thuốc kháng histamine (như diphenhydramine, chlorpheniramine, brompheniramine, cyproheptadine, hydroxyzine)
- Thuốc chống tăng huyết áp
- .v.v.

Các nguyên nhân góp phần
Ngoài các nguyên nhân chính trên, có một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ bị bí tiểu, đó là:
- Uống quá nhiều rượu
- Tiếp xúc với thời tiết lạnh
- Bất động trong một thời gian dài
- Thực hiện một số thủ thuật phẫu thuật
Làm gì khi bị bí tiểu?
Như đã nói ở trên, bí tiểu được chia thành bí tiểu cấp tính và mãn tính. Trong đó:
Bí tiểu cấp tính có các triệu chứng rất rõ ràng, người bệnh buồn tiểu mà không thể đi tiểu được, dẫn tới đau bụng dưới dữ dội. Trong trường hợp này, bạn cần lập tức gọi cấp cứu. Để lâu, bệnh có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Bí tiểu mãn tính đôi khi xảy ra mà không có triệu chứng gì, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám về một vấn đề khác. Lúc này, tùy theo chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ mà bạn sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Nếu cần điều trị bạn phải tuân thủ đúng theo phác đồ này và làm theo các yêu cầu của bác sĩ.
Bí tiểu mãn tính cũng có thể gây ra một số triệu chứng ở đường tiết niệu như:
- Tiểu khó
- Cảm giác buồn tiểu ngay sau khi vừa đi tiểu
- Nước tiểu chảy ra yếu, ngắt quãng
- Tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm
- .v.v.
Trong trường hợp này, bạn nên sớm đến các trung tâm y tế uy tín để thăm khám. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ có cách điều trị hợp lý. Nếu hiện tượng bí tiểu do u lành tuyến tiền liệt gây chèn ép, sỏi mắc nghẽn tại cổ bàng quang hay biệu đạo, chấn thương vỡ, dập niệu đạo, chấn thương cột sống… bệnh nhân phải được thông tiểu ngay, đó là các biện pháp phẫu thuật lấy sỏi, giải quyết sự chèn ép đường tiểu hoặc dùng các ống dẫn nước tiểu luồn vào niệu đạo tới bàng quang cho nước tiểu thoát ra ngoài. Các nguyên nhân khác có thể dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Bí tiểu cần điều trị càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Do tình trạng ứ đọng nước tiểu kéo dài gây ra sự căng trướng toàn bộ hệ tiết niệu, gây viêm nhiễm ngược dòng và suy thận. Lúc đó sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng.
☛ Tìm hiểu thêm: Phân biệt bí tiểu cấp tính và mạn tính
Tổng kết
Bí tiểu là tình trạng một người không thể làm rỗng bàn quang hoàn toàn, nó có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Có nhiều nguyên nhân gây bí tiểu khác nhau, để việc điều trị được hiệu quả, cần tìm ra các nguyên nhân này. Bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề gì khi đi tiểu, nước tiểu nhỏ giọt không liên tục, nước tiểu có mùi hôi,…