Bạn có đang rơi vào hoàn cảnh phải thứ dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu không? Rất có thể bạn đang mắc chứng tiểu đêm – một tình trạng khiến bạn cần phải ra khỏi giường để đi tiểu trên 2 lần trong một đêm. Việc này tưởng chừng như vô hại nhưng điều này làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn mệt mỏi và cáu kỉnh vào ngày hôm sau.
5 lời khuyên để ngăn chặn tiểu đêm
#1 Nhật kí bàng quang
Nghe có vẻ buồn cười khi nói đến nhật kí bàng quang, nhưng đây là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời để bạn có thể xác định chính xác “thủ phạm” khiến mình thường xuyên phải đi tiểu vào ban đêm.
Cuốn nhật kí sẽ theo dõi các chỉ số sau: Lượng nước bạn uống (bao gồm loại và số lượng); mức độ đi tiểu vào ban ngày; mức độ đi tiểu vào ban đêm và có kèm theo rò rỉ bàng quang hay không. Theo dõi từ 4-7 ngày bạn có thể phát hiện ra xu hướng khiến mình đi tiểu vào ban đêm. Nhật kí này cũng rất hữu ích cho bác sĩ khi bạn đi khám.
#2 Chú ý lượng chất lỏng nạp vào cơ thể
Hãy chú ý đến những thứ bạn ăn và uống trong vài giờ trước khi ngủ để đảm bảo bạn không ngủ với một bàng quang đầy nước.
- Tránh uống quá nhiều chất lỏng 4-6 giờ trước khi đi ngủ (bao gồm cả thức ăn và đồ uống)
- Tránh cà phê sau buổi sáng và hạn chế uống rượu vào ban đêm. Cả rượu và caffein đều có thể làm cho nước tiểu có tính axít cao hơn, có thể gây kích thích niêm mạc bàng quang, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn
- Đi vệ sinh trước khu ngủ
- Dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể hoạt động như thuốc lợi tiểu sớm hơn trong ngày nếu có thể (đề xuất với bác sĩ của bạn về việc này trước).
#3 Chú ý vấn đề sưng mắt cá chân, phù nề chân
Nếu bạn đang bị sưng mắt cá chân, chân bị phù nề, chất dịch tích tụ sẽ trở lại vào máu khi bạn nằm ngủ, làm tăng huyết áp. Kết quả là thận bắt đầu hoạt động để tạo nhiều nước tiểu nhằm đào thải chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Vì thế nếu bạn đang bị sưng mắt cá chân, hãy thử một số lời khuyên dưới đây để phân phối lại chất lỏng trong suốt cả ngày, giảm thiểu tích lũy chất lỏng trong cơ thể:
- Nâng cao chân định kỳ để tránh chất lỏng tích tụ trong mắt cá chân và bắp chân.
- Sử dụng tất y khoa (hay còn gọi là tất nén, tất áp lực). Các loại tất này dùng để tạo áp lực ép vào đôi chân, từ đó ép vào các tĩnh mạch bị giãn, đồng thời hỗ trợ sức căng của các cơ ở chân, làm khép các van tĩnh mạch bị suy lại, làm cho các van tĩnh mạch hoạt động có hiệu quả hơn. Nhờ đó giúp điều trị các triệu chứng do giãn tĩnh mạch chân gây ra như phù, đau nặng chân, chuột rút, kiến bò…
#4 Nâng cao chất lượng giấc ngủ
Việc nâng cao chất lượng giấc ngủ khiến bạn chống lại chứng mất ngủ cũng như việc đi tiểu nhiều vào ban đêm. Nhiều người nghĩ rằng họ cần phải thức dậy để đi tiểu nhưng cuối cùng lại chỉ sản xuất với 1 lượng ít nước tiểu. Đây là dấu hiệu của chứng mất ngủ chứ không phải là tiểu đêm.
Hãy nâng cao chất lượng giấc ngủ của mình bằng cách:
- Tránh các chất kích thích như caffeine và nicotine gần trước khi đi ngủ
- Đặt thời gian ngủ và thức giấc nhất quán
- Tập thể dục thường xuyên (nhưng không phải trước khi đi ngủ)
- Tránh các loại thực phẩm có thể gây rối giấc ngủ (như thức ăn cay)
- Giữ phòng ngủ của tối, thoải mái, nhiệt độ phòng thích hợp
- Tắt các thiết bị điện tử có thể phát sáng hay gây ra âm thanh làm bạn mất ngủ
#5 Nói chuyện với bác sĩ
Thay đổi hành vi không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc chữa bệnh tiểu đêm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến căn bệnh này, vì thế để điều trị dứt điểm cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân cốt lõi. Nếu những lời khuyên trên không giúp ích cho bạn, bạn cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra kỹ lưỡng và tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm.
- Xem thêm: Thuốc trị bệnh tiểu đêm nhiều lần