Hay tiểu đêm là một tình trạng y tế khó chịu và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và làm tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí là tử vong. Vậy hay tiểu đêm là bệnh gì, điều trị như thế nào?
Mục lục
Hay tiểu đêm là bệnh gì?
Hay tiểu đêm là tình trạng một người nào đó phải thức dậy ít nhất một lần vào ban đêm để đi tiểu, việc này diễn ra nhiều đêm trong tuần hay thậm chí là hàng đêm.
Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đêm cao và gặp ở cả nam và nữ, nó ảnh hưởng đến 2-18% dân số ở độ tuổi 20-40; tăng lên 28-62% ở độ tuổi 70-80.

Nguyên nhân bệnh hay tiểu đêm
Cơ chế sinh lý của bệnh hay tiểu đêm được phân tách thành ba nguyên nhân chính:
- Bàng quang hoạt động quá mức về đêm
- Mất cân bằng dịch
- Ngưng thở khi ngủ
Cùng với đó là một số loại thuốc và yếu tố hành vi làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Các yếu tố này bệnh là tương tự ở cả nam và nữ, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt ở nam giới và thiếu hụt estrogen ở phụ nữ.
Bàng quang hoạt động quá mức (bàng quang tăng hoạt)
Bàng quang hoạt động quá mức là hiện tượng bàng quang bị rối loạn chức năng lưu trữ, vẫn tăng co bóp dù lượng nước tiểu chứa trong bàng quang chưa vượt qua thể tích lưu trữ, khiến bệnh nhân phải lập tức đi tiểu và rất khó để kìm hãm lại.
Nếu tình trạng này xảy ra vào ban đêm, bệnh nhân sẽ bị thôi thúc đi tiểu, phải lập tức thức giấc để vào nhà vệ sinh.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bàng quang hoạt động quá mức về đêm, các nguyên nhân này khiến bàng quang co thắt quá mức và làm mất phối hợp hoạt động giữa cơ bàng quang và cơ thắt niệu đạo. Có thể kể đến là:
- Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, bệnh đái tháo đường,…
- Có khối u hoặc sỏi bàng quang
- Gặp vấn đề ở tuyến tiền liệt (ở nam giới), như: phì đại tuyến tiền liệt,…
- Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh đái tháo đường,…
- Uống cà phê hoặc rượu quá mức
- .v.v.

Mất cân bằng dịch
Nếu mất cân bằng dịch trong cơ thể khiến lượng nước tiểu >40ml/kg/24 giờ thì bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm. Nguyên nhân của sự mất cân bằng này có thể là do: uống quá nhiều rượu bia, mắc bệnh đái tháo đường, tăng canxi huyết, suy thận mạn,…
Nếu số lượng nước tiểu về đêm >35% tổng số lượng nước tiểu 24 giờ trong cả ngày, bệnh nhân sẽ hay tiểu đêm. Nguyên nhân là do: uống quá nhiều nước và rượu bia vào buổi tối, uống thuốc lợi tiểu sát giờ ngủ, suy tim sung huyết gây tái phân bố dịch về đêm, ứ máu tĩnh mạch gây phù, rối loạn hormone chống bài niệu do tuổi tác,…
Ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn hay tiểu đêm.
Cụ thể, ngưng thở khi ngủ là một rối loạn liên quan tới giấc ngủ, xảy ra khi não bị tổn thương, khiến hệ thần kinh không gửi được những tín hiệu thích hợp để điều khiển cơ hô hấp.
Khi ngủ, cơ thể bạn không nhận thức được tình trạng căng đầy của bàng quang. Nhưng trạng thái tắc nghẽn đường hô hấp do ngưng thở làm tăng áp lực tâm trong lồng ngực, khiến tim phát đi tín hiệu yêu cầu thận phải thải nước tiểu, khiến bệnh nhân phải thức dậy để đi tiểu.

Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố này được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay tiểu đêm, nó ảnh hưởng đến tổng thể niệu sinh dục hoặc làm rối loạn chức năng sàn chậu. Cụ thể như sau:
- Ở cả hai giới: Tuổi tác, dân tộc, bệnh đái tháo đường hoặc đái tháo nhạt, viêm khớp, hen suyễn, huyết áp cao, phiền muộn, lịch sử bệnh thời thơ ấu
- Đàn ông: Bệnh viêm tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt
- Phụ nữ: Chỉ số khối cơ thể cao, bệnh tim, bệnh viêm ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, tử cung tăng sinh, cắt tử cung, thay đổi hormone thời kì mãn kinh
Thường được coi là có liên quan đến tổng thể niệu sinh dục hoặc rối loạn chức năng sàn chậu.
Những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh hay tiểu đêm
Những hậu quả của bệnh hay tiểu đêm là:
- Xáo trộn giấc ngủ
- Té ngã và gãy xương
- Trầm cảm
- Tăng tỉ lệ tử vong
- Tăng trao đổi chất bất lợi
Xáo trộn giấc ngủ
Hay tiểu đêm có thể dẫn tới thiếu ngủ, đặc biệt là tình trạng khó ngủ trở lại. Điều này dẫn tới mệt mỏi vào ban ngày và có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, năng suất làm việc.
Ngoài ra, khi phải thức dậy nhiều lần vào ban đêm sẽ làm ảnh hưởng tới khoảng thời gian ngủ sâu, ngủ phục hồi (giai đoạn N3-N4 của giấc ngủ). Mất ngủ dài hạn ở giai đoạn N3, N4 sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần và những ảnh hưởng này dường như trầm trọng hơn ở nhưng người >65 tuổi.
Một số ảnh hưởng nếu bạn mất ngủ kéo dài là:
- Trí nhớ giảm sút, hiệu quả công việc và học tập không cao
- Dễ cáu gắt
- Gặp vấn đề với thị lực và ảo giác
- Hệ miễn dịch suy giảm
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Suy nhược cơ bắp
- Biến đổi hoạt động của gen
- Cô đơn
- Trầm cảm
- .v.v.
Tìm hiểu thêm: Tiểu đêm mất ngủ và những hậu quả của nó

Ngã và gãy xương
Bệnh hay tiểu đêm gây ra những hoạt động vào ban đêm, thời điểm mà bệnh nhân có thể không hoàn toàn tỉnh táo, vì thế nó làm tăng nguy cơ ngã và gãy xương, đặc biệt là ở những người cao tuổi.
Người ta ước tính được rằng, bệnh nhân nhập viện do gãy xương hông liên quan đến tiểu đêm trên toàn châu Âu đã làm tiêu tốn khoảng 1 tỉ euro vào năm 2014. Ngoài các chi phí trực tiếp này, các chi phí gián tiếp phát sinh (do giảm năng suất làm việc và hoạt động) ở châu Âu vào năm 2014 do tiểu đêm ước tính là 29,0 tỷ euro.
Tại Hoa Kỳ, chi phí trực tiếp hàng năm do tiểu đêm ước tính là khoảng 1,5 tỷ đô la và chi phí gián tiếp dự kiến là 61 tỷ đô la trong năm 2014.
Trầm cảm
Một cuộc điều tra dịch tễ học dựa trên dân số cũng cho thấy mối liên hệ chặt chẽ hai chiều giữa bệnh tiểu đêm với trầm cảm ở cả nam và nữ, tức là tiểu đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và trầm cảm cũng làm tăng tỉ lệ mắc tiểu đêm. Tỷ lệ bệnh nhân mắc trầm cảm sẽ tăng lên tỉ lệ thuận với số lần bệnh nhân phải thức dậy trong đêm và thường gặp phải ở những nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ <50 tuổi.
Bệnh hay tiểu đêm làm giảm chất lượng cuộc sống và có thể dẫn đến sự bối rối, lo lắng, gây ra những cơn buồn ngủ ban ngày, làm giảm khả năng tập trung, giảm động lực thực hiện các hoạt động,… Tất cả những hậu quả này có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Mặt khác, bệnh trầm cảm cũng làm gia tăng các triệu chứng tiết niệu, trong đó có tiểu đêm.

Nguy cơ tử vong
Hay tiểu đêm cũng làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân cao tuổi. Theo thống kê, đi tiểu nhiều hơn 2 lần mỗi đêm làm tăng nguy cơ tử vong lên 54% ở nam giới và 28% ở nữ giới.
Cơ chế tiềm ẩn cho nguy cơ này là sự gián đoạn giấc ngủ và các tình trạng bệnh lý liên quan. Phân tích tổng hợp 16 nghiên cứu với 1.382.999 bệnh nhân hay tiểu đêm, ngủ ít hơn 7 giờ mỗi tối cho thấy: Nguy cơ tử vong cao ở nhóm này cao hơn những người ngủ trên 8 giờ/tối.
Tăng trao đổi chất bất lợi
Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, hay tiểu đêm làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, trong đó có việc làm tăng trao đổi chất bất lợi, bao gồm béo phì, tiểu đường loại 2, tăng huyết áp động mạch,…
Mỗi bệnh chuyển hóa này đều có khả năng liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm ở bệnh nhân.
Điều trị bệnh hay tiểu đêm
Để điều trị bệnh hay tiểu đêm, cần điều trị các nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh, cùng với đó là thay đổi lối sống, và, nếu cần, là các liệu pháp dược lý.
Mục tiêu của việc điều trị là: giảm các cơn tiểu đêm; tăng tổng thời gian và chất lượng giấc ngủ để tăng chất lượng cuộc sống; và làm giảm các bệnh đi kèm có liên quan.
Điều chỉnh lối sống có lợi cho bệnh nhân hay tiểu đêm
- Giảm thiểu lượng chất lỏng tiêu thụ trong ngày xuống <2 lít nếu bệnh đi kèm cho phép;
- Uống nước ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ, đặc biệt là caffeine, rượu;
- Đi tiểu trước khi đi ngủ;
- Nên lắp đặt tay vịn để vào nhà vệ sinh;
- Tăng mức độ tập thể dục thể thao (bao gồm cả các bài tập sàn chậu, nếu có chỉ định);
- Giảm muối trong bữa ăn;
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì;
- Đối với bệnh nhân bị phù ngoại biên (chi dưới) do suy tim sung huyết hoặc suy tĩnh mạch mạn tính: Nâng cao chân trên mức tim vài giờ trước khi đi ngủ;
- Đối với bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu: Dùng thuốc lợi tiểu vào giữa buổi chiều, thay vì vào buổi tối trước khi đi ngủ (nên hỏi ý kiến bác sĩ).

Thuốc điều trị
Các liệu pháp dược lý được chỉ định sau khi thất bại trong việc điều chỉnh lối sống và điều trị hành vi, tuy nhiên.
Một số phương pháp điều trị dược lý có sẵn để điều trị bệnh hay tiểu đêm, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh mà sử dụng loại thuốc phù hợp. Có thể kể đến là:
- Thuốc chống bài niệu (vasopressin; desmopressin)
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc đối kháng thụ thể muscarinic (antimuscarinics)
- Thuốc beta-3 agonists (mirabegron)
- Chất đối kháng adrenoceptor alpha (thuốc chẹn alpha)
- Chất ức chế 5α-reductase (thuốc ức chế men khử 5-alpha)
- Chất ức chế phosphodiesterase 5 (PDE-5)
- Các loại thuốc an thần
Tìm hiểu thêm: Hay tiểu đêm uống thuốc gì?
Các can thiệp khác
Với những bệnh nhân mắc tiểu đêm do u xơ tuyến tiền liệt, biến chứng làm tắc nghẽn đường ra bàng quang có thể được xem xét phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt. Sau phẫu thuật, các triệu chứng tiết niệu dưới sẽ được cải thiện tốt.
Với những bệnh nhân mắc tiểu đêm do ngưng thở khi ngủ, tình trạng hay tiểu đêm có thể được cải thiện tốt sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.
Khuyến cáo về điều trị bệnh hay tiểu đêm
- Điều trị nên được điều chỉnh theo nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đêm ở từng bệnh nhân.
- Nên điều chỉnh lối sống và hành vi khoảng 3 tháng trước khi thực hiện các phương pháp điều trị khác, trừ khi tình trạng bệnh nặng, làm phiền và bệnh nhân không thể chịu đựng được;
- Bệnh nhân cần tuân thủ việc sử dụng thuốc để việc điều trị đạt được kết quả tốt nhất;
- Bệnh nhân hay bị tiểu đêm mà không xác định được nguyên nhân và không đáp ứng với lối sống hay liệu pháp y tế nên được xem xét để đánh giá bởi các chuyên gia.
Kết luận
Bệnh hay tiểu đêm là một tình trạng y tế nghiêm trọng và phổ biến không kém gì u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới. Nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, năng suất làm việc cũng như làm tăng nguy cơ té ngã, gãy xương và tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh.
Do căn nguyên đa yếu tố của nó, bệnh hay tiểu đêm có thể được xem như một bệnh riêng biệt, mặc dù đôi khi nó là một triệu chứng của một căn bệnh tiềm ẩn nào đó hoặc do thói quen sinh hoạt của người bệnh. Với những đánh giá và chẩn đoán thích hợp, bệnh hay tiểu đêm có thể được điều trị thành công.